Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng liên tục trong vòng 6 quý

Kinh tế Nhật Bản trong quý 2 năm nay đã tăng trưởng 0,6%, đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp tăng trưởng và là thời kỳ tăng trưởng dài nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng liên tục trong vòng 6 quý ảnh 1Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Tokyo, Nhật Bản ngày 8/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 8/9, kinh tế nước này trong quý 2 năm nay đã tăng trưởng 0,6%, đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp tăng trưởng và là thời kỳ tăng trưởng dài nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Trong quý vừa qua, tiêu dùng cá nhân tăng 0,8%, chi tiêu vốn doanh nghiệp tăng 0,5%, giảm nhẹ so với mức dự báo tương ứng 0,9% và 2,4% đưa ra trước đó.

Một trong những động lực thúc đẩy đà tăng của nền kinh tế Nhật Bản là xuất khẩu tăng mạnh, đặc biệt là xuất khẩu linh kiện điện thoại thông minh.

Ngoài ra, thị trường việc làm ổn định, niềm tin của khối doanh nghiệp tăng cao cũng là những yếu tố tích cực đóng góp cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

[Đề xuất ngân sách của Nhật vượt 100.000 tỷ yen năm thứ tư liên tiếp]

Cũng không thể bỏ qua vai trò của các dự án đầu tư lớn liên quan tới các công trình phục vụ Đại hội Thể thao thế giới Olympic Tokyo 2020.

Giới phân tích nhận định, mặc dù mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã bị điều chỉnh giảm so với mức dự báo 1% đưa ra trước đó, song đây vẫn là một kết quả khả quan.

Trước đó, cuối tháng Bảy vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã đưa ra đánh giá lạc quan nhất trong 12 năm qua về tình hình kinh tế của các khu vực trên cả nước, trong bối cảnh xuất khẩu và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh.

Trong báo cáo hàng quý về tình hình các khu vực ở Nhật Bản, BoJ đã nâng cao đánh giá đối với 5 trong số 9 khu vực và giữ nguyên đánh giá lạc quan đối với 4 khu vực còn lại.

Đây là lần đầu tiên BoJ sử dụng ngôn từ mạnh mẽ như vậy đối với nhiều khu vực trong nước kể từ khi bắt đầu thực hiện công tác thu thập dữ liệu vào tháng 4/2005./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.