Đã hơn một năm trôi qua kể từ chính sách chấn hưng kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (được gọi là Abenomics) được đưa vào thực hiện.
Dù còn có những hoài nghi liệu những hiệu quả mà Abenomics đem lại có lâu dài và vững chắc hay không, những số liệu gần đây là các chứng cứ khó phủ nhận về những tác động tích cực và mạnh mẽ của chính sách này đối với nền kinh tế Đất nước Hoa anh đào.
Chính phủ Nhật Bản vẫn đang tiếp tục những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, ngăn chặn những rủi ro đến từ việc tăng thuế tiêu dùng.
Nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản, kinh tế nước này trong quý 1 năm 2014 tăng trưởng 1,6% so với quý 4 năm 2013 và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi điều chỉnh theo lạm phát.
Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng hơn hai năm trở lại đây, chủ yếu là nhờ chi cho mức đầu tư của doanh nghiệp - yếu tố được Nội các của Thủ tướng Abe coi là then chốt để vực dậy nền kinh tế - được điều chỉnh tăng 7,6% so với quý trước, so với mức tăng 4,9% được công bố trong báo cáo ban đầu.
Trong báo cáo trước đó, Chính phủ Nhật Bản cho biết trong quý 1 năm 2014, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng nói là, trong quý 4 năm 2013, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm, chỉ đạt 0,3% so với quý trước, thấp hơn so với con số dự kiến tăng 0,7% của các nhà kinh tham gia cuộc thăm dò của nhật báo kinh doanh Nikkei và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý, chi tiêu tiêu dùng - hiện đóng góp tới 60% GDP - tăng 0,5% và là tháng tăng thứ 5 liên tiếp, nhưng xuất khẩu chỉ tăng 0,4%, sau khi giảm 0,7% trong quý trước đó. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc vì kết quả khiêm tốn của hoạt động xuất khẩu đã làm tăng những lo ngại về những tác động bất lợi của việc tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% kể từ tháng Tư.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Nhật Bản cũng công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng ở nước này, không bao gồm các loại thực phẩm tươi sống, trong tháng Năm tăng 3,4% so với năm trước, mức tăng mạnh nhất trong 32 năm qua.
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá tiêu dùng bị đội lên là do tác động của việc tăng thuế tiêu dùng. Trước đó, ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ước tính việc tăng thuế sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát lên khoảng 1,7%. Số liệu công bố hồi tháng Một cho thấy giá tiêu dùng của Nhật Bản trong năm 2013 đã tăng lần đầu tiên trong 5 năm qua.
Một tín hiệu tích cực khác về kinh tế Nhật Bản là tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5% trong tháng Năm so với 3,6% của tháng trước và là mức thấp nhất trong gần 17 năm. Các số liệu cho thấy nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật Bản cải thiện trong 18 tháng liên tiếp, đạt mức tốt nhất trong vòng 22 năm qua. Tỷ lệ giữa số việc làm và số người tìm việc là 1,09 trong tháng Năm so với 1,08 của tháng Tư, nghĩa là cứ 100 người tìm việc sẽ có 109 vị trí để ứng tuyển.
Những kết quả đó đã cho thấy Abenomics đang tiếp tục phát huy tác dụng, sau những thành công đã được ghi nhận trong năm 2013. Đây là chính sách với ba “mũi tên” trong đó mũi tên thứ nhất nhắm tới mục tiêu đầu tư vào các công trình công với ngân sách 10.300 tỷ yen và mũi tên thứ hai là các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi giai đoạn trì trệ kéo dài và đạt mục tiêu lạm phát 2% trong vòng hai năm mà BoJ đã thông báo vào tháng 4/2013 .
Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng vẫn được tiếp tục
Trong khi nền kinh tế có sự cải thiện đáng kể như vậy, Chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng với việc thông qua chiến lược tăng trưởng đã được điều chỉnh, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp và tiếp thêm sinh lực cho thị trường chứng khoán.
Chiến lược tăng trưởng là “mũi tên thứ ba” của Abenomics và được coi là xương sống của chính sách này. Nội các của ông Abe đã thông qua chiến lược tăng trưởng vào tháng 6/2013 nhưng hầu hết những đề xuất chính sách không mấy khả quan và gây thất vọng cho các chủ thể tham gia thị trường tài chính, buộc ông Abe phải có những điều chỉnh.
Trong chiến lược trên, Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ tiến tới xóa bỏ các quy định trong các lĩnh vực nông nghiệp, việc làm và y tế, những lĩnh vực bị chỉ trích là đã ngăn cản nền kinh tế trong việc thoát ra khỏi tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập niên qua.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, chiến lược tăng trưởng mới tìm kiếm một cuộc cải tổ Liên minh hợp tác xã nông nghiệp trung ương, tổ chức bảo trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước, và nới lỏng những hạn chế đối với sự tham gia của các công ty tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp.
Với tầm nhìn về một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ thúc đẩy kim ngạch nông sản xuất khẩu lên 1.000 tỷ yen vào năm 2020 và 5.000 tỷ yen vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Chính phủ của Thủ tướng Abe cũng cam kết sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp từ mức 35% xuống dưới 30% trong vài năm tính từ tài khóa 2015, theo đề nghị của các chủ doanh nghiệp, do mức thuế suất hiện thuộc hàng cao nhất thế giới đang khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Nhật Bản với tốc độ chậm.
Tuy nhiên, đề xuất về thuế gây lo ngại rằng tình hình tài chính của Nhật Bản vốn tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế phát triển có thể sẽ xấu thêm trong khi Chính phủ vẫn chưa quyết định sẽ bù đắp vào nguồn thu bị hụt đi sau khi cắt giảm thuế doanh nghiệp.
Và cũng theo chiến lược mới, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi Quỹ đầu tư lương hưu chính phủ (GPIF) sửa đổi danh mục đầu tư hiện đang được dành ưu tiên cho trái phiếu trong nước chuyển hướng sang đầu tư nhiều hơn vào các tài sản khác, nhằm mục đích khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu của các doanh nghiệp Nhật Bản. GPIF hiện sở hữu khối tài sản trị giá 129.000 tỷ yen (1.260 tỷ USD) tính đến cuối năm 2013 và là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới.
Còn rủi ro từ việc tăng thuế tiêu dùng
Theo các nhà phân tích, việc tăng thuế tiêu dùng là rủi ro lớn nhất đối với những nỗ lực cải cách kinh tế của ông Abe, có thể ảnh hưởng bất lợi tới sự hồi phục “đang chớm nở” của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau nhiều năm giảm phát.
Nhận định được đưa ra là BoJ sẽ phải tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có vào cuối năm nay để đối phó với bất kỳ sự suy giảm nào của nền kinh tế do đợt tăng thuế tiêu dùng vừa qua.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Amari Akira thừa nhận việc tăng thuế sẽ đe dọa nhu cầu tiêu dùng, song nhấn mạnh việc chính phủ tăng mạnh chi tiêu công sẽ giúp giảm thiểu những tác động.
Ông nói kinh tế Nhật Bản đang bắt đầu lấy lại sức mạnh và đạt được nhiều tiến triển trong việc thoát ra khỏi tình trạng giảm phát. Chính phủ Nhật Bản cho rằng gói kích cầu trị giá 5.500 tỷ yen (54 tỷ USD), mà Quốc hội nước này đã thông qua trong tháng Hai, sẽ giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng thuế.
Kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ suy giảm mạnh trong quý 2 do nhu cầu tiêu dùng suy giảm, hệ quả trực tiếp từ việc chính phủ nước này tăng thuế tiêu dùng. Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản dự báo GDP quý 2 của nước này có thể giảm 4,2%.
Theo kết quả điều tra đối với các hộ gia đình có từ hai thành viên trở lên, Bộ Nội vụ và Thông tin Nhật Bản cho biết mức chi tiêu của một hộ gia đình (đã loại trừ những tác động của biến động giá cả) trong tháng Năm là 271.411 yen, giảm tới 8% so với cùng kỳ năm trước, so với mức giảm 4,6% của tháng Tư, thời điểm chính phủ bắt đầu tăng thuế tiêu dùng.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới công bố hồi đầu tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của Nhật Bản trong năm này. Quyết định này được cho là hệ quả của chính sách tăng thuế tiêu dùng ở Nhật Bản.
IMF giảm dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát xuống 1,4% so với mức 1,7% đưa ra hồi tháng Giêng. IMF thúc giục Tokyo có những biện pháp nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2% và tăng trưởng bền vững dưới tác động của “Abenomics”, đặc biệt là những cải cách về cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng.
Tăng thuế tiêu dùng được cho là rất quan trọng để góp phần giảm mức nợ công cao kỷ lục của Nhật Bản (tương đương hơn 200% GDP). Bộ Tài chính Nhật Bản dự báo nợ công của nước này sẽ tăng lên 1.038.700 tỷ yen (10.140 tỷ USD) vào cuối quý 1 năm 2014.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là nguồn thu từ thuế của Chính phủ Nhật Bản trong tài khóa 2013 (tính đến ngày 31/3/2014) có thể vượt mốc 46.000 tỷ yen, mức cao nhất kể từ tài khóa 2007 và trong tài khóa 2014, ước sẽ tăng lên khoảng 50.000 tỷ yen nhờ việc tăng thuế tiêu dùng./.