Kinh tế Pháp đình trệ, Đức suy giảm, Italy duy trì đà tăng trưởng

Các số liệu chính thức cho thấy kinh tế Pháp đình trệ trong hai quý cuối của năm ngoái, kinh tế Đức suy giảm trong quý 4, trong khi kinh tế Italy vẫn duy trì đà tăng trưởng trong quý 4/2023.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Frankfurt (Đức). (Ảnh: THX/TTXVN)
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Frankfurt (Đức). (Ảnh: THX/TTXVN)

Số liệu chính thức được Cơ quan Thống kế Pháp (INSEE) công bố ngày 30/1 cho thấy kinh tế nước này tăng trưởng 0,9% trong năm ngoái, song đình trệ trong hai quý cuối của năm.

Số liệu tăng trưởng hằng năm nói trên gần sát mức dự báo tăng trưởng 1% do Chính phủ Pháp đưa ra trước đó và thấp hơn mức tăng trưởng 2,5% năm 2022.

Theo INSEE, nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực Sử dụng Đồng Euro (Eurozone) này ghi nhận tăng trưởng bằng 0 hầu hết năm 2023, ngoại trừ quý 2 tăng trưởng 0,7%.

Tăng trưởng tiêu dùng của hộ gia đình - một động lực chủ chốt của nền kinh tế - giảm tốc xuống mức 0,7% trong cả năm 2023.

Trong khi đó, kinh tế Đức suy giảm trong quý 4 năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro phải ứng phó với lạm phát ở mức cao và ngành chế tạo giảm sút.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức Destatis, sản lượng của nước này trong quý 4 giảm 0,3%, phù hợp với dự báo của các nhà phân tích.

Viện Ifo cùng ngày cho biết kinh tế Đức dự kiến sẽ giảm 0,2% trong quý 1 năm 2024. Như vậy, nền kinh tế lớn nhất của Khu vực Đồng Euro sẽ rơi vào suy thoái.

Chính phủ Đức dự báo nền kinh tế nước này năm 2024 tăng trưởng 1,4%.

Kinh tế Italy vẫn duy trì đà tăng trưởng

Theo dữ liệu sơ bộ do Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) công bố ngày 30/1, kinh tế nước này trong quý 4 năm 2023 đã tăng 0,2% so với quý trước đó, cao hơn dự kiến mặc dù nhu cầu trong nước yếu.

So với cùng kỳ năm trước, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 4 năm ngoái tăng 0,5%.

ISTAT cho biết trong quý 4 năm 2023, mức tăng GDP 0,2% hoàn toàn nhờ xuất khẩu ròng, khi nhu cầu trong nước còn yếu.

Trong quý này, các ngành công nghiệp và dịch vụ đã hỗ trợ tăng trưởng, trong khi các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bị suy giảm.

Tăng trưởng quý 3 năm 2023 được xác nhận ở mức 0,1% cả theo quý và theo năm, trong khi nền kinh tế nước này sụt giảm 0,3% trong quý 2 năm ngoái so với quý 1 và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 dường như khá u ám, do lãi suất cao của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và những căng thẳng địa chính trị liên quan đến xung đột ở Ukraine và Trung Đông.

ISTAT cho biết nếu GDP không tăng trong mỗi quý của năm nay thì mức tăng trưởng cả năm 2024 sẽ chỉ đạt 0,1%. Trước đó, ngày 10/11 năm ngoái, ISTAT đã dự báo rằng quý đầu tiên của năm nay, kinh tế Italy có khả năng hầu như không tăng trưởng.

ISTAT ước tính trong cả năm 2023, kinh tế Italy đã tăng trưởng 0,7% trên cơ sở điều chỉnh theo ngày làm việc.

Vào ngày 1/3 tới, ISTAT sẽ công bố số liệu tăng trưởng chính thức của cả năm 2023. Đây là thước đo được các nhà chức trách châu Âu sử dụng để so sánh quốc tế và là cơ sở để Chính phủ Italy đặt ra các mục tiêu của mình.

Hồi tháng 9/2023, Bộ Tài chính Italy đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 là 0,8%, giảm mạnh so với mức 3,7% được công bố năm 2022.

Trong năm 2024, bộ này dự báo mức tăng trưởng là 1,2%, nhưng hầu hết các cơ quan độc lập đều dự đoán con số yếu hơn, từ 0,6-0,8%, tương tự như tỷ lệ năm 2023.

Tháng 12/2023, Ngân hàng Trung ương Italy dự báo mức tăng trưởng là 0,6%, trong khi ISTAT dự báo 0,7%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.