Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt nhiều khó khăn sau vụ đảo chính

Kể từ sau khi thông tin về vụ đảo chính được loan báo, giá trị đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đến 6% so với đồng USD trong khi thị trường chứng khoán nước này cũng để mất đến hơn 10%.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt nhiều khó khăn sau vụ đảo chính ảnh 1Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: English.alarabiya.net)

Chỉ hơn một tuần sau khi âm mưu đảo chính bất thành nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gây chấn động trên toàn lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã ngay lập tức cảm nhận được rõ nét những tác động tiêu cực của cuộc đảo chính này đối với nền kinh tế vốn đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

Kể từ sau khi thông tin về vụ đảo chính được loan báo, giá trị đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đến 6% so với đồng USD trong khi thị trường chứng khoán nước này cũng để mất đến hơn 10%.

Chuyên gia nghiên cứu thuộc Renaissance Capital Michael Harris nhận định đối với những quốc gia như Vương quốc Anh hay Nam Phi thì sự sụt giá của đồng nội tệ, mặc dù gây ảnh hưởng đến sức mua của người dân, song không làm thay đổi động lực kinh tế vĩ mô một cách đáng kể như những gì đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo chuyên gia này, Ankara đang trải qua thời khắc khó khăn với lạm phát cao, do đó đồng lira suy yếu sẽ tạo áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp của nước này hay thậm chí ở mức nghiêm trọng hơn là nguy cơ suy thoái kinh tế.

Trước khi cuộc đảo chính diễn ra, tăng trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được duy trì ở mức cao nhờ giá dầu xuống thấp và chi tiêu chính phủ tăng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí còn dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này sẽ tăng từ 3,4-4% trong năm 2016. Tuy nhiên, nền kinh tế này lại quá phụ thuộc vào những dòng chảy nguồn vốn ngắn hạn khiến nó dễ bị tổn thương trước những biến cố nghiêm trọng về cả kinh tế và chính trị gây ảnh hưởng đến tâm lý giới đầu tư.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P ngày 20/7 đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Thổ Nhĩ Kỳ một bậc, từ BB+/B xuống BB/B, cả hai mức đều được coi là không nên đầu tư, và vẫn đánh giá triển vọng nợ công là tiêu cực sau cuộc đảo chính bất thành ở nước này hôm 15/7.

Theo S&P, việc đánh giá tiêu cực triển vọng xếp hạng của Thổ Nhĩ Kỳ phản ánh tình hình kinh tế, tài chính công và nợ nần của đất nước này có thể xấu hơn mức dự báo, nếu bất ổn chính trị làm xấu đi môi trường đầu tư, tiềm ẩn nguy cơ làm tăng thêm sức ép lên cán cân thanh toán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.