Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 14/11 công bố một loạt số liệu kinh tế cho thấy nhu cầu trong nước và quốc tế suy yếu, cùng với ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tác động mạnh đến những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Trong tháng Mười vừa qua, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 4,7%, thấp hơn mức tăng 5,8% của tháng Chín và dưới mức dự báo trung bình tăng trưởng 5,4% mà hãng tin Reuters đưa ra.
[Trung Quốc nêu điều kiện quan trọng cho thỏa thuận thương mại với Mỹ]
Trong khi đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ trở về gần mức “đáy” của 16 năm, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn mức tăng của tháng trước đó 0,6%.
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,7%, thấp hơn mức trước.
Trong khi đó, đầu tư tài sản cố định trong 10 tháng tính từ đầu năm chỉ tăng 5,2%, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi số liệu này được thu thập và tổng hợp từ năm 1998.
Trước ảnh hưởng của căng thẳng thương mại với Mỹ, kinh tế Trung Quốc trong quý 3/2019 chỉ đạt mức tăng trưởng 6%, mức yếu nhất trong gần 30 năm.
Trong một lưu ý, ngân hàng Nomura cho hay tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm tốc xuống còn 5,8% trong quý 4/2019 so với mức tăng trưởng 6% trong quý 3.
Dư luận hy vọng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm ký kết thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1," qua đó chấm dứt các biện pháp tăng thuế trả đũa lẫn nhau và thúc đẩy trao đổi thương mại, góp phần cải thiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này.
Số liệu công bố ngày 14/11 cũng cho thấy giá trị xuất khẩu công nghiệp của Trung Quốc đã giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp.
Sản lượng thép giảm xuống mức thấp của bảy tháng trong tháng 10/2019, còn sản lượng ximăng lần đầu tiên giảm trong hơn một năm qua.
Người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng khi giá cả leo thang trong những tháng qua, đặc biệt là giá thịt lợn và các loại thịt khác tăng mạnh.
Một quan chức NBS cảnh báo Trung Quốc đang đối mặt với một "tình hình kinh tế quốc tế phức tạp" gây sức ép giảm sút đối với kinh tế trong nước.
Trong khi đó, nhà phân tích Martin Lynge Rasmussen thuộc hãng tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics, cảnh báo dữ liệu kinh tế của Trung Quốc không chỉ suy yếu trong tháng vừa qua, mà tình trạng suy yếu sẽ còn được phán ánh trong thời gian tới. Theo đó, ông dự kiến Bắc Kinh sẽ tung ra các biện pháp hỗ trợ mới.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương nước này) đã cắt giảm lãi suất đối với các khoản vay trung hạn một năm trong tháng này và là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2016.
Các nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm lãi suất có thể là một dấu hiệu cho thấy PBoC đang trở nên chủ động hơn và làm giảm quan ngại rằng lạm phát tăng cao sẽ ngăn ngân hàng này tung ra các biện pháp kích thích mới.
Đầu tuần này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng các công cụ hỗ trợ kinh tế hiệu quả hơn, chẳng hạn như "điều chỉnh nghịch chu kỳ" và trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương./.