Kon Tum: Người giữ hồn tượng gỗ Mơ Nâm tại làng Kon Du

Sinh ra và lớn lên ở gia đình có truyền thống tạc tượng, khi còn nhỏ, ông A Gông chịu khó theo cha, các già làng để học hỏi, mày mò tập đục đẽo để biến những thân gỗ xù xì thành các bức tượng có hồn.
Kon Tum: Người giữ hồn tượng gỗ Mơ Nâm tại làng Kon Du ảnh 1Nghệ nhân ưu tú A Gông (phải) truyền dạy kỹ năng tạc tượng gỗ của người Mơ Nâm cho thanh niên tại làng Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Đối với đồng bào dân tộc Mơ Nâm, nhánh thuộc dân tộc Xê đăng, đang sinh sống tập trung tại làng Kon Du thuộc xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Nghệ nhân Ưu tú A Gông được xem như người “giữ hồn” của làng khi ông là người am hiểu và đam mê về nghệ thuật tạc tượng truyền thống.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống tạc tượng, khi còn nhỏ, nghệ nhân A Gông đã chịu khó theo cha và các già làng để học hỏi, mày mò tập đục đẽo để biến những thân gỗ xù xì thành các bức tượng có hồn.

Với dụng cụ thô sơ như cái đục, rìu, rựa và dao, nghệ nhân A Gông đã tạo ra những bức tượng ẩn chứa tình cảm và miêu tả chân thực cuộc sống đời thường của cộng đồng các dân tộc trên đại ngàn Tây Nguyên.

Nghệ nhân A Gông chia sẻ đa phần các dân tộc khác thường gắn việc tạc tượng gỗ với tục làm nhà mồ. Tuy nhiên, cộng đồng người Mơ Nâm lại dùng tượng gỗ để tái hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như đi làm rẫy, săn bắt, giã gạo, đánh cồng chiêng…

Người Mơ Nâm thường tạc tượng có kích thước nhỏ với đường kính khoảng 15cm, chiều dài từ 30-40cm. Khi đến dịp lễ hội như mừng lúa mới, mở chuồng trâu, người dân trong làng sẽ cầm bức tượng và nhảy theo tiếng cồng chiêng xung quanh nhà sàn.

Đến sáng hôm sau, người dân sẽ đặt bức tượng ngay trước kho lúa hoặc chuồng trâu và gieo vài hạt lúa xung quanh bức tượng với quan niệm rằng tổ tiên sẽ phù hộ cho dân làng có được vụ mùa bội thu.

[Phục dựng không gian tượng gỗ Tây Nguyên giữa rừng thông Đà Lạt] 

Không chỉ tạc những bức tượng về cuộc sống sinh động, những lúc rảnh rỗi, nghệ nhân A Gông lại ngồi tạc những bức tượng về các kỷ niệm với người thân; những khuôn mặt, hình dáng của người trong gia đình để tưởng nhớ và gửi gắm tình cảm với người đã mất.

Anh A Niêm, 35 tuổi, làng Kon Du, chia sẻ các bức tượng gỗ được A Gông miêu tả chân thực với hình dáng cơ thể và khuôn mặt, đôi mắt, gò má rất giống với người thật khi còn sống. Đặc biệt, điều làm nên thương hiệu của A Gông chính là tượng gỗ thường tái hiện lại các hoạt động sinh hoạt đời thường khiến bức tượng như có “hồn” và mang nhiều cảm xúc.

Người Mơ Nâm quan niệm rằng tượng gỗ dân gian là vật linh thiêng gắn liền với các lễ hội và để những người đang sống tưởng nhớ những kỷ niệm, hình ảnh gắn liền với người thân. Tượng gỗ còn là sợi dây kết nối, gửi gắm tình cảm của thế hệ con cháu với tổ tiên, thể hiện được lối sống sinh hoạt, lao động, sản xuất truyền thống của dân tộc.

Nghệ nhân A Gông chia sẻ mỗi bức tượng là tâm hồn nội tâm của nghệ nhân điêu khắc, chất chứa tình cảm, sự hy vọng, sáng tạo của văn hóa dân tộc Mơ Nâm.

Để trở thành nghệ nhân điêu khắc tượng Tây Nguyên cần có sự truyền dạy giữa các thế hệ, những người yêu thích, say mê tạc tượng mới có thể theo nghề và tạo nên những bức tượng có hồn phục vụ cuộc sống cũng như lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Với định hướng phát triển Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, huyện Kon Plông đang chú trọng mang đến cho du khách những trải nghiệm về văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc tại địa phương. Do đó, các nghệ nhân nói chung và Nghệ nhân Ưu tú A Gông nói riêng được xem như “hạt nhân” giúp khôi phục và giữ gìn nét văn hóa đặc trưng tại địa phương.

Kon Tum: Người giữ hồn tượng gỗ Mơ Nâm tại làng Kon Du ảnh 2Những bức tượng gỗ được nghệ nhân ưu tú A Gông (làng Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) tạc nên thường có “hồn”, mang nhiều cảm xúc chân thật. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch được huyện Kon Plông tổ chức, những nghệ nhân sẽ có cơ hội được trưng bày, biểu diễn những tác phẩm của mình; mang những sản phẩm văn hóa độc đáo đến gần hơn với bạn bè trong và ngoài tỉnh. Đây còn là tiền đề để lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống trước nguy cơ đang dần bị mai một.

Nghệ nhân Ưu tú A Gông còn vận động người dân, nhất là thanh niên tại làng Kon Du tham gia vào các lớp học tạc tượng gỗ do chính mình truyền dạy. Với năng khiếu nghệ thuật, óc thẩm mỹ và sự kiên trì, nhẫn nại, ông A Gông đã vận động được hàng chục người tham gia học kỹ năng tạc tượng gỗ. Hiện, nhiều thanh niên trẻ đã có thể tự tay tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh, đẹp mắt. Một số phụ nữ đã biết dùng rựa, đục để tạc một bức tượng gỗ có đường nét và độ chính xác cao.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, nhờ tính cần cù, tài hoa và sự sáng tạo, cùng với con mắt tinh tường, tỉ mỉ và đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân A Gông đã tạo ra những sản phẩm tượng gỗ đẹp mắt, chân thực mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Mơ Nâm.

Trong nhiều năm, ông A Gông đã tích cực truyền dạy nghề tạc tượng truyền thống của dân tộc mình cho những người thân trong gia đình và cho những người yêu thích tạc tượng gỗ ở cộng đồng. Ông còn tích cực mang nghệ thuật tạc tượng gỗ tham gia, biểu diễn tại các hoạt động văn hóa, du lịch ở cấp huyện, tỉnh.

Năm 2019, ông A Gông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” nhờ sự say mê, nhiệt huyết trong việc bảo tồn văn hóa dân gian của cộng đồng dân tộc Mơ Nâm./.

Đối với đồng bào dân tộc Mơ Nâm (nhánh thuộc dân tộc Xê Đăng) đang sinh sống tập trung tại làng Kon Du (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), nghệ nhân ưu tú A Gông được xem như người giữ hồn cho tượng gỗ truyền thống. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Đối với đồng bào dân tộc Mơ Nâm (nhánh thuộc dân tộc Xê Đăng) đang sinh sống tập trung tại làng Kon Du (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), nghệ nhân ưu tú A Gông được xem như người giữ hồn cho tượng gỗ truyền thống. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Nghệ nhân ưu tú A Gông (phải) truyền dạy kỹ năng tạc tượng gỗ của người Mơ Nâm cho thanh niên tại làng Kon Du (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Nghệ nhân ưu tú A Gông (phải) truyền dạy kỹ năng tạc tượng gỗ của người Mơ Nâm cho thanh niên tại làng Kon Du (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Năm 2019, ông A Gông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú nhờ sự say mê, nhiệt huyết trong việc bảo tồn văn hóa dân gian của cộng đồng dân tộc Mơ Nâm. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Năm 2019, ông A Gông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú nhờ sự say mê, nhiệt huyết trong việc bảo tồn văn hóa dân gian của cộng đồng dân tộc Mơ Nâm. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Những bức tượng gỗ được nghệ nhân ưu tú A Gông (làng Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) tạc nên thường có hồn, mang nhiều cảm xúc chân thật. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Những bức tượng gỗ được nghệ nhân ưu tú A Gông (làng Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) tạc nên thường có hồn, mang nhiều cảm xúc chân thật. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Nhờ tính cần cù, tài hoa và sự sáng tạo, cùng với con mắt tinh tường, tỷ mỉ và đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân A Gông đã tạo ra những sản phẩm tượng gỗ đẹp mắt, chân thực mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Mơ Nâm. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Nhờ tính cần cù, tài hoa và sự sáng tạo, cùng với con mắt tinh tường, tỷ mỉ và đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân A Gông đã tạo ra những sản phẩm tượng gỗ đẹp mắt, chân thực mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Mơ Nâm. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Những bức tượng gỗ được nghệ nhân ưu tú A Gông (làng Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) tạc nên thường có hồn, mang nhiều cảm xúc chân thật. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Những bức tượng gỗ được nghệ nhân ưu tú A Gông (làng Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) tạc nên thường có hồn, mang nhiều cảm xúc chân thật. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục