Ký kết hợp đồng tín dụng 2.300 tỷ đồng dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh

Dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được ký kết hợp đồng tín dụng sẽ góp phần thúc đẩy thi công, sớm hoàn thiện công trình vào trước Tết Nguyên đán năm 2026.
Dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh đã chính thức được ký kết hợp đồng tín dụng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Chiều 4/10, Dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã chính thức ký kết hợp đồng tín dụng với tổng số vốn cam kết cho vay là 2.300 tỷ đồng.

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là dấu mốc quan trọng nhằm xác định cụ thể nguồn vốn tín dụng trong mô hình PPP++ do Tập đoàn Đèo Cả đưa ra nhằm huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay thực hiện dự án là khả thi. Đây cũng là nền tảng để doanh nghiệp tiếp tục tháo gỡ các bài toán khó về vốn tại các dự án PPP có doanh thu và lưu lượng thấp.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết nhiều năm qua, Cao Bằng vẫn là một trong những tỉnh miền núi khó khăn của cả nước, bởi giao thông còn nhiều hạn chế, đi qua những khu vực địa hình quanh co, hiểm trở.

Để Cao Bằng phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, ông Minh cho rằng không có cách nào khác ngoài việc phải tập trung vào những tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Tuyến đường này sẽ nối liền “mạch máu” kinh tế từ Thủ đô Hà Nội đến miền biên viễn phía Bắc, nơi phên dậu của Tổ quốc, là khát vọng của toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cũng là sự trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.

Khẳng định cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại, là công trình giúp Cao Bằng “kết nối để vươn xa”, ông Minh tin rằng khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ là tuyến đường kiểu mẫu, mang đậm bản sắc văn hóa Đông Bắc, không những thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn đóng góp vào bảo tồn giá trị văn hóa địa phương.

Theo Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng, kể từ khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công ngày 1/1/2024 đến nay, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư và các đơn vị thi công dự án; đặc biệt đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương nơi công trình đi qua.

Ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng khẳng định cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh sẽ giúp Cao Bằng “kết nối để vươn xa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Mặc dù đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để được dự án được thực hiện, tuy nhiên, tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, với địa hình, địa chất phức tạp, suất đầu tư thấp (khoảng 150 tỷ đồng/km, so với cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2021 khoảng 186 tỷ đồng/km). Do đó, các bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan quan tâm đồng hành sát sao với địa phương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

“Lễ ký kết này là dấu mốc cụ thể hoá nguồn vốn tín dụng cho dự án. Sự đồng hành của tổ chức tín dụng góp phần đảm bảo thành công cho dự án, mở ra cơ hội phát triển kinh tế dài hạn cho vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc,” ông Minh quả quyết.

Khi tuyến cao tốc hoàn thành, kinh tế của tỉnh Cao Bằng cũng sẽ khởi sắc khi hệ thống giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh; ngành du lịch của tỉnh Cao Bằng sẽ có nhiều cơ hội phát triển…

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, ở Dự án cao tốc Đồng Đăng-Lạng Sơn, mô hình đa dạng hoá nguồn huy động vốn PPP++ đang được Tập đoàn Đèo Cả triển khai thành công, trong đó là sự ủng hộ của cơ chế chính sách; tiềm lực tài chính của các nhà đầu tư, ngân hàng; niềm tin cam kết đối với người dân hai tỉnh.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại lễ ký kết. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực rất nhiều nhằm tiến hành các bước đề xuất, nghiên cứu ròng rã 7 năm qua để theo đuổi khả thi triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Việc ký kết hợp đồng này không chỉ là cam kết trên giấy mà sẽ được thực hiện trên thực tế, sớm giải ngân nguồn vốn theo tiến độ để thực hiện theo kế hoạch,” ông Hoàng nói./.

Dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tuyến cao tốc này được đầu tư với chiều dài hơn 93km, vốn đầu tư 14.331 tỷ đồng, được khởi công ngày 1/1/2024 và thời gian hoàn thành vào trước Tết Nguyên đán năm 2026.

Tuyến đường có điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục