Kỳ vọng về việc Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu nông sản Mỹ giảm dần

Trung Quốc đang có đơn hàng mua 800.000 tấn đậu tương của Brazil, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng Bắc Kinh sẽ mua đậu tương của Mỹ sau khi thỏa thuận giai đoạn 1 được ký kết.
Trong ảnh: Nông dân thu hoạch đỗ tương tại Scribber, Nebraska, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN
Trong ảnh: Nông dân thu hoạch đỗ tương tại Scribber, Nebraska, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN

Vài ngày trước khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một được ký kết, các đơn mua đậu tương khối lượng lớn từ Brazil của Trung Quốc và một vài động thái chính sách bất ngờ của Bắc Kinh đã làm lu mờ hy vọng “người khổng lồ châu Á” này sẽ tăng gấp đôi lượng nhập khẩu nông sản Mỹ trong năm nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng thông báo về triển vọng Trung Quốc sẽ mua lượng nông sản Mỹ trị giá 40 tỷ USD vào năm 2020 như vấn đề then chốt trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một nhằm dàn xếp cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cuộc chiến nói trên đã làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa trị giá hàng tỷ USD, “đe dọa” làm giảm tốc kinh tế toàn cầu và đẩy các thị trường tài chính vào cảnh hỗn loạn. Xung đột thương mại Mỹ-Trung cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các nông trại Mỹ.

Ngày 9/1, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ tới Washington vào tuần tới để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ.

[Giá nông sản Mỹ đồng loạt tăng sau khi căng thẳng thương mại hạ nhiệt]

Tuy nhiên, các đơn hàng mua đậu tương Brazil của Trung Quốc, tương đương khoảng 800.000 tấn, đang làm dấy lên nghi ngờ về khả năng khách hàng Trung Quốc sẽ có hứng thú với đậu tương của Mỹ sau khi thỏa thuận giai đoạn một được ký kết.

Theo một số thương nhân, nhu cầu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc đã được “đáp ứng” tính đến quý 1/2020.

Trong khi đó, các nguồn tin tại Trung Quốc cho hay Bắc Kinh đã tạm dừng thực hiện kế hoạch xăng có chứa 10% ethanol trên toàn quốc trong năm nay.

Kế hoạch này từng làm dấy lên hy vọng Mỹ có thể tăng xuất khẩu nhiên liệu sinh học và ngô sang Trung Quốc.

Một thông tin gây lo ngại khác là dự báo nhu cầu ethanol của Trung Quốc sẽ không tăng, sau khi Bắc Kinh cho biết sẽ không tăng hạn ngạch ngũ cốc nhập khẩu có thuế suất thấp để phù hợp với lượng xuất khẩu lớn hơn của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.