Trong khi giới chức Mỹ hoan hỷ thông báo một thỏa thuận "đình chiến thương mại" vừa đạt được với Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế và thương mại cho rằng thỏa thuận này chủ yếu là thắng lợi đối với Bắc Kinh.
Sau các cuộc thảo luận kéo dài gần 2 năm, Mỹ đã đồng ý hoãn đánh thuế bổ sung đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến từ ngày 15/12 và hạn chế một số mức thuế đã được áp trước đó, trong khi không nhận được một cam kết tương tự từ phía Trung Quốc dỡ bỏ các mức thuế đã áp với hàng hóa Mỹ.
Trong một phân tích, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc Scott Kennedy cho rằng "chi phí bỏ ra quá lớn trong khi lợi ích thu lại nhỏ bé và phù phiếm."
Chuyên gia Kennedy nhấn mạnh "chỉ bằng những nhượng bộ ở mức hạn chế, Trung Quốc đã có thể bảo vệ được hệ thống kinh tế mậu dịch của mình và tiếp tục các chính sách công nghiệp phân biệt đối xử, gây bất lợi cho các đối tác thương mại của họ và nền kinh tế thế giới."
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho biết họ hy vọng sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tuần đầu tiên của tháng 1/2020 và phát hành một tài liệu gồm các điểm quan trọng như các điều khoản thực thi và cải thiện chính sách bảo vệ công nghệ Mỹ, cũng như một cam kết của Trung Quốc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tới.
Đây được cho là một sự gia tăng đáng kể vì năm 2017 Trung Quốc chỉ nhập 190 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ, do đó nếu đạt được mục tiêu này có thể giảm 1/3 thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
[Mỹ-Trung chạy đua để trì hoãn đợt áp thuế ngày 15/12]
Chủ tịch Liên minh Sản xuất Mỹ, ông Scott Paul cho rằng việc dỡ bỏ thuế quan đã lấy đi rất nhiều lợi thế của họ trong khi nhượng bộ trong các vấn đề thương mại quan trọng nhất với Trung Quốc.
Theo chuyên gia thương mại Mary Lovely, thỏa thuận trên chỉ có thể được xem là "chiến thắng một phần" vì "không tiến triển nhiều."
Phát biểu với báo giới, bà Lovely cho rằng thành quả của thỏa thuận không bù đắp được những thiệt hại đối với nông dân và các nhà công nghiệp Mỹ
Bà nhận định: "Tổng thống Trump đang cố gắng hết sức để trở lại bối cảnh kinh tế cách đây 18 tháng, trước khi áp dụng cách tiếp cận đơn phương và cứng rắn.'"
Về phần mình, Chủ tịch Liên đoàn Văn phòng Nông nghiệp Mỹ Zippy Duvall cho biết trước khi bùng phát cuộc tranh cãi thuế, Trung Quốc từng là thị trường lớn thứ hai của nông sản Mỹ, nhưng giờ đã rơi xuống vị trí thứ 5.
Ông Duvall khẳng định: "Mở cửa cho thương mại với Trung Quốc và nhiều nước khác sẽ giúp người nông dân và chăn nuôi tự đứng trên đôi chân của mình."
Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ nhận định: "Chiến tranh thương mại sẽ chỉ kết thúc khi xóa bỏ hoàn toàn thuế quan"./.