Lạm phát càn quét nước Mỹ, CPI tăng mạnh nhất trong vòng 13 năm

Lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng trong tháng Sáu, với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2008.
Lạm phát càn quét nước Mỹ, CPI tăng mạnh nhất trong vòng 13 năm ảnh 1Người dân di chuyển trên một tuyến phố ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Bộ Lao động Mỹ ngày 13/7 công bố báo cáo cho biết lạm phát tại nước này tiếp tục tăng trong tháng Sáu, với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2008.

So với tháng Năm, CPI của Mỹ tăng 0,9% sau khi đã điều chỉnh theo mùa.

Việc nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại nhờ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID được đẩy mạnh đã khiến lạm phát tăng do các "nút cổ chai" về nguồn cung cũng như các yếu tố các công ty cho thuê xe gặp khó khăn trong việc tăng lượng xe và tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến sản xuất ôtô.

Giá năng lượng cũng tăng sau giai đoạn giảm do các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch, với giá xăng tăng 45,1% so với cùng kỳ năm ngoái, khi chưa điều chỉnh và tăng 2,5% so với tháng Năm.

Giá thực phẩm cũng tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,9% so với tháng Năm.

Ngay cả khi loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng hay biến động hơn, CPI lõi trong tháng Sáu tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, khi chưa điều chỉnh, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/1991.

Trước khi báo cáo được công bố, các nhà kinh tế nhận định lạm phát sẽ bắt đầu giảm trong những tháng tới, nhưng sức ép giá cả sẽ kéo dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.