Làm sao để vùng đất “đệ nhất danh trà” chạm tới trái tim du khách?

Lãnh đạo ngành du lịch Thái Nguyên cho biết đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ‘đánh thức’ tiềm năng, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng để hấp dẫn du khách.
Du khách tham quan suối Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên 45 km. (Ảnh: Linh Tâm/Vietnam+)
Du khách tham quan suối Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên 45 km. (Ảnh: Linh Tâm/Vietnam+)

Thái Nguyên trong tâm thức nhiều người thường “đóng đinh” với hai ấn tượng: Trà xanh và cái nôi cách mạng. Thế nhưng, những năm gần đây, vùng đất ấy bắt đầu chuyển mình làm du lịch.

Tiềm năng sẵn có thì nhiều, song làm sao để mỗi sản phẩm là một dấu ấn mang đến trải nghiệm khác biệt, để mỗi chặng dừng chân là một “điểm trạm” của cảm xúc cho du khách, địa phương này sẽ phải “dụng công” hơn nữa.

Những “địa chỉ đỏ” ở xứ trà

Thái Nguyên là cái nôi cách mạng với loạt “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái, ATK…

Thái Nguyên cũng đầy tiềm năng du lịch khai thác từ các giá trị di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như: Hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà, làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, điểm du lịch sinh thái Dũng Tân, điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà...

[Thái Nguyên: Rộn ràng lễ hội Lồng Tồng ở chiến khu Việt Bắc]

Cảnh quan thiên nhiên của Sườn Đông dãy Tam Đảo trùng điệp, hoang sơ, kỳ vỹ với nhiều dòng suối, thác nước, bãi đá được thiên nhiên kiến tạo những nét độc đáo riêng.

Làm sao để vùng đất “đệ nhất danh trà” chạm tới trái tim du khách? ảnh 1Thái Nguyên ghi dấu ấn với nhiều di tích lịch sử. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hơn thế, Thái Nguyên còn được mệnh danh là vùng “đệ nhất danh trà” với những đồi chè xanh ngút ngàn trải khắp Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài... Sản phẩm trà cùng nghệ thuật thưởng trà lâu nay đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn du khách đến với mảnh đất này.

Với loạt tiềm năng, thế mạnh sẵn có đó, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Tuân cho biết: “Địa phương đã và đang tập trung xây dựng, phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm nhằm hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách.”

Đặc biệt, trung tuần tháng Ba vừa qua, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã vinh danh Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải là “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022.” Đây là đại diện duy nhất của Đông Nam Á góp mặt tại hạng mục giải thưởng này cùng 31 địa điểm của 17 quốc gia khác.

Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch cộng đồng Vũ Văn Tuyên đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có. Song, ông cho rằng Thái Nguyên chưa tận dụng hết tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.

Cần định vị trải nghiệm cho du khách

“Là người làm du lịch, chúng tôi cần thương hiệu. Thái Nguyên là điểm đến mới, cung đường di sản văn hóa có muôn vàn thứ để khách trải nghiệm. Nhưng cần phải định vị thương hiệu để tạo điểm nhấn cho du khách. Tỉnh Thái Nguyên phải tạo ra các sản phẩm để các công ty du lịch có thể khai thác,” ông Vũ Văn Tuyên nhấn mạnh.

Làm sao để vùng đất “đệ nhất danh trà” chạm tới trái tim du khách? ảnh 2"Đặc sản" Thái Nguyên, điểm đến quen thuộc của du khách khi đến vùng đất "đệ nhất danh trà." (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho rằng Thái Nguyên nên chau chuốt lại các sản phẩm để hấp dẫn du khách, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Bởi đây là loại hình tận dụng được các lợi thế có sẵn, không cần bỏ vốn nhiều, không mất thời gian, nhưng sản phẩm lại đặc sắc. Tuy nhiên, cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo các chuyên gia, du lịch Thái Nguyên đang chưa xác định được điểm nhấn cũng như sản phẩm nào thực sự độc đáo và khác biệt để định vị thương hiệu, dẫn tới khó làm quảng bá để hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Là một trong những chuyên gia chuyên khai phá các vùng đất có tiềm năng du lịch cộng đồng, Viện Trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh không đòi hỏi Thái Nguyên phải có những sản phẩm mới mà ông cho rằng địa phương cần hoàn thiện những sản phẩm sẵn có.

“Tôi thấy Thái Nguyên là nơi có nhiều bản làng có giá trị, vậy hãy làm sao để mỗi điểm đến này mang lại sinh kế bền vững cho cộng đồng, được thị trường công nhận. Thái Nguyên đã làm gì để xúc tiến? Hãy làm thật tốt những cái đang có trước khi kêu gọi những thứ lớn hơn,” ông Quỳnh nói.

Với tiềm năng sinh thái, các chuyên gia gợi ý Thái Nguyên nên nghiên cứu mô hình chăm sóc sức khỏe để đáp ứng nhu cầu du lịch trong tình hình mới.

Làm sao để vùng đất “đệ nhất danh trà” chạm tới trái tim du khách? ảnh 3Người dân xóm Mỏ Gà kể về nghề truyền thống cho du khách. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ‘đánh thức’ tiềm năng du lịch, tập trung hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách,” Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Tuân khẳng định.

Chủ trương là vậy, song để thực thi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng trước hết Thái Nguyên cần nâng cao chất lượng dịch vụ, lưu trú, hướng dẫn viên đồng thời tăng cường mối liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp để cùng phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.