Chị L.T.L (52 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) đến cơ quan với đôi mắt thâm quầng. Chị tâm sự với đồng nghiệp đêm qua chị lại mất ngủ. Chị đã cố đủ mọi cách nhưng vẫn không thể có một giấc ngủ ngon.
Sau vài tuần, tình trạng của chị tệ hơn. Chị bắt đầu căng thẳng, mất ngủ, không còn thiết tha chăm sóc vẻ ngoài, tránh tương tác xã hội và gặp gỡ bạn bè.
Nghiên cứu ở phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi tiền mãn kinh cho thấy có đến 36% các chị bị mất ngủ và 37% cảm thấy lo âu. Đặc biệt, có đến gần 40% phụ nữ có các dấu hiệu của trầm cảm.
Trầm cảm là một rối loạn tâm lý ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. Mối liên quan giữa thay đổi của cơ thể trong giai đoạn tiền mãn kinh và trầm cảm khá phức tạp.
Tiền mãn kinh là gì?
Thời kỳ mãn kinh thường rơi vào độ tuổi 45-55, đánh dấu sự kết thúc quá trình sinh sản ở người phụ nữ. Nói cách khác, khi nào bạn ngừng có kinh nguyệt, đó là lúc bạn chính thức mãn kinh.
Tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh. Người ta còn gọi đây là giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh. Tùy theo cơ địa mỗi người, thời kỳ này có thể diễn ra vào các lứa tuổi khác nhau. Đồng thời, mỗi người cũng sẽ có những triệu chứng không giống nhau.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Lưu Thị Hồng, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh trước khi mãn kinh từ 8-10 năm, tức là ở độ tuổi 37-45.
Đây là giai đoạn hoạt động của hệ trục vàng não bộ-tuyến yên-buồng trứng suy giảm, không sản xuất đủ bộ ba nội tiết tố nữ là: estrogen, progesterone, testosterone để đáp ứng mọi hoạt động của cơ thể.
[Những lưu ý về sức khỏe đối với phụ nữ trung niên]
Vì thế, người phụ nữ phải đối mặt với những xáo trộn về tâm sinh lý, sức khỏe và cả sắc đẹp: nguy cơ loãng xương, rối loạn tim mạch, giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo, dễ bị kích thích tâm lý nên hay nóng giận, chán nản, thiếu tập trung trong công việc, nóng bừng mặt, đổ mồ hôi nhất là vào ban đêm, mất ngủ, chóng mặt, nhức đầu, hồi hộp, lo âu.
Trong giai đoạn cuối của thời kỳ tiền mãn kinh, cơ thể người phụ nữ sẽ sản xuất ngày càng ít estrogen hơn. Giai đoạn này kéo dài ít nhất là vài tháng và lâu nhất là 4 năm.
Thời kỳ mãn kinh chính thức bắt đầu khi buồng trứng sản xuất quá ít estrogen, đến mức trứng không được phóng thích nữa. Khi đó, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ngừng lại.
Phụ nữ tiền mãn kinh thay đổi thế nào?
Chị V.B.H (47 tuổi, Nam Định) là một phụ nữ xinh đẹp với vóc dáng thon gọn. Nhưng thời gian gần đây, làn da hai bên má chị xuất hiện những mảng nám tối màu. Đi khám bác sỹ, chị được giải thích rằng chị đang gặp tình trạng nám da tiền mãn kinh.
Bác sỹ cho biết phụ nữ khi bước vào độ tuổi tiền mãn kinh, hệ trục não bộ, tuyến yên và buồng trứng bắt đầu suy giảm hoạt động, do đó nội tiết tố nữ estrogen dường như không tiết ra nữa. Sự suy giảm đáng kể về nội tiết đã làm tăng sản xuất hắc tố melanin, gây ra tình trạng nám, sạm da cho hầu hết phụ nữ trong độ tuổi này.
Không những gây ra những thay đổi về ngoại hình, tiền mãn kinh còn gây ra những rối loạn tâm lý.
Rối loạn tâm lý trong giai đoạn tiền mãn kinh được coi là một dạng đặc biệt của trầm cảm. Tiền mãn kinh được xem là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, mà người phụ nữ không thể tránh khỏi.
Giai đoạn này, người phụ nữ phải đối diện với nhiều thay đổi rõ ràng cả về thể chất bên trong lẫn ngoại hình bên ngoài.
Lúc này, người phụ nữ cảm nhận cơ thể bắt đầu già đi với những biểu hiện về ngoại hình như: cơ thể mất cân đối, không còn săn chắc, thon gọn.
Không chỉ đổi thay từ bên ngoài mà sức khỏe bên trong cũng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, hay đau nhức, mệt mỏi, cùng với nhiều triệu chứng đi kèm như rối loạn kinh nguyệt, bốc hỏa, khô âm đạo, khó ngủ, giảm ham muốn, tính tình thay đổi.
Cùng với những thay đổi của cơ thể, phụ nữ trung niên thường phải lo toan, nặng gánh trách nhiệm gia đình, cũng như phấn đấu công việc ở ngoài xã hội. Tất cả những điều này chính là yếu tố cộng hưởng đè nặng lên tâm lý của chị em. Lúc này, chị em dễ rơi vào tâm lý bất ổn, hay cáu gắt vô cớ, lo lắng quá mức, thậm chí nhiều người còn rơi vào trầm cảm, không muốn giao tiếp, suy nghĩ tiêu cực và thậm chí còn nghĩ đến cái chết.
Tâm lý của phụ nữ tiền mãn kinh bị xáo trộn xuất phát từ các biến đổi bên trong cơ thể, tình trạng này nếu không biết cách giải tỏa sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của người phụ nữ như tâm lý chán chường sẽ sinh ra chán ăn, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp… Tất cả những điều này tạo ra một vòng xoáy luẩn quẩn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm người phụ nữ không thể thoát ra được.
Tại sao phụ nữ tiền mãn kinh có nguy cơ trầm cảm?
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân tác động đến tâm lý của chị em giai đoạn tiền mãn kinh, tuy nhiên nguyên nhân chính là do hệ trục vàng não bộ-tuyến yên-buồng trứng hoạt động suy giảm, dẫn đến bộ ba nội tiết tố trong cơ thể (estrogen, progesterone và testosterone) có sự biến động, bất ổn định.
Cảm xúc của người phụ nữ vui vẻ hay buồn chán là do lượng hormone cortisol tồn tại trong cơ thể nhiều hay ít.
Bình thường, nếu nội tiết tố trong cơ thể hài hòa, estrogen sẽ giúp ức chế cortisol, và kích thích sự dẫn truyền thần kinh serotonin, mang lại sự thoải mái hơn cho cơ thể. Đồng thời, estrogen cũng làm tăng lượng dopamine trong não, là chất chịu trách nhiệm điều chỉnh tinh thần, niềm vui.
Trong khi đó, progesterone được xem như chất làm dịu và ngăn chặn hoạt động của một chất dẫn truyền thần kinh khác, glutamate. Đây là chất dẫn truyền thần kinh hưng phấn giúp kích thích hoạt động của não, nhưng nếu lượng glutamate cao sẽ làm tăng sự lo lắng, hoảng loạn ở người phụ nữ.
Ngoài ra, testosterone là hormone mang lại sự tự tin, tăng khả năng chịu đựng căng thẳng. Khi bị suy giảm nội tiết tố này, chị em tuổi tiền mãn kinh-mãn kinh thường tự ti, mệt mỏi và thiếu năng lượng.
Giai đoạn tiền mãn kinh, nội tiết tố nữ thường bị suy giảm là nguyên nhân chính gây ra nhiều xáo trộn bên trong cơ thể, trong đó có ảnh hưởng đến tâm lý tình cảm của chị em, đặc biệt là những phụ nữ từng có các rối loạn tâm lý trước đó.
Cách điều trị trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh
Quay trở lại với trường hợp của chị L., do được con gái gần gũi chia sẻ nên chị đã mở lòng hơn. Chị đồng ý đến bệnh viện để khám. Bác sỹ nói rằng chị đã có dấu hiệu mắc chứng trầm cảm.
Chị L. nằm trong số ít phụ nữ tiền mãn kinh có dấu hiệu trầm cảm được phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời.
Hiện nay có nhiều phương pháp đã được chứng minh có hiệu quả giúp đối phó với các rối loạn tâm lý này, kể cả không dùng thuốc.
Phương pháp không dùng thuốc: đây là phương pháp kết hợp giữa các bài tập thể dục, chế độ dinh dưỡng phù hợp và các liệu pháp tâm lý trị liệu.
Một số bài tập trong phương pháp này bao gồm: Các bài tập thư giãn hằng ngày như hít thở, thư giãn cơ, thiền định và yoga sẽ giúp các chị cảm thấy thư giãn và thoải mái.
Tận hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện như massage, xông hơi, tắm khoáng,…giúp các cơ trên cơ thể được thư giãn và phục hồi.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng với thực đơn nhiều rau củ, trái cây; hạn chế sử dụng chất béo, các chất kích thích hay cồn cũng góp phần hạn chế các dấu hiệu của trầm cảm.
Phương pháp dùng thuốc: trầm cảm mức độ trung bình đến nặng cần được điều trị bằng thuốc.
Các thuốc chống trầm cảm, được biết đến nhiều nhất là SSRI (selective serotonin reuptake inhibitors), được chứng minh có hiệu quả cao trong cải thiện triệu chứng lo âu, trầm cảm.
Vấn đề quan ngại của chị em khi sử dụng thuốc SSRI là gây giảm ham muốn và chất lượng quan hệ tình dục. Những tác dụng không mong muốn này lại có thể là yếu tố ảnh hưởng tâm lý phụ nữ.
Giải pháp cho những trường hợp này là giảm liều thuốc hoặc thay đổi loại thuốc ít ảnh hưởng hơn. Nhìn chung, điều trị dùng thuốc cần thực hiện với sự hướng dẫn và theo dõi của bác sỹ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chìa khóa để giải quyết chứng trầm cảm tiền mãn kinh là thay đổi cách nhìn nhận đối với vấn đề sức khỏe tâm thần ở người lớn tuổi. Sự thiếu hiểu biết về tâm sinh lý của những người bị trầm cảm tiền mãn kinh càng khoét sâu thêm định kiến về căn bệnh.
Người bị trầm cảm tiền mãn kinh cần sự thấu hiểu và ủng hộ của các thành viên trong gia đình, sự nhìn nhận nghiêm túc về việc điều trị và không coi chứng trầm cảm chỉ là một phần của thời kỳ tiền mãn kinh, tự đến rồi tự đi./.