Lần đầu tiên tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái tại Lai Châu

Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái sẽ giới thiệu tới công chúng các trích đoạn lễ hội độc đáo, nghi thức sinh hoạt văn hóa, múa xòe, triển lãm các sản phẩm văn hóa tiêu biểu của đồng bào Thái.
Lần đầu tiên tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái tại Lai Châu ảnh 1Nhảy sạp - một hoạt động văn hóa thú vị của người Thái. (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)

Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái 2014 với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trong thời kỳ mới - Hội nhập và phát triển của đất nước" sẽ diễn ra từ ngày 27-29/12 tại Lai Châu.

Đây là lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội với sự tham dự của 8 tỉnh, thành phố có đồng bào người Thái sinh sống gồm Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An và Thanh Hóa.

Lễ khai mạc sẽ diễn ra tối 27/12 tại quảng trường Nhân dân, thành phố Lai Châu.

Tại cuộc họp báo về Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái 2014 diễn ra chiều 16/12 ở Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu Vương Văn Thành cho biết Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái là sự kiện văn hóa quy mô lớn, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc Thái trong cả nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.

Đây cũng là dịp để đồng bào Thái giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, đồng thời trao đổi với đồng bào các dân tộc khác về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ban tổ chức sẽ mời đại biểu đến từ ba tỉnh của nước bạn Lào, ba châu và một huyện của nước bạn Trung Quốc sang tham dự, chung vui Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái.

Trong những Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái, các nét văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái sẽ được giới thiệu đến công chúng và khách du lịch, trong đó có các hoạt động cộng đồng.

Các sự kiện đáng chú ý gồm Liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Thái; giới thiệu các trích đoạn lễ hội, nghi thức, sinh hoạt văn hóa, trình diễn múa xòe, múa sạp; các hoạt động thể thao, tham quan một số tuyến điểm du lịch trên địa bàn Lai Châu.

Bên cạnh đó là phần trưng bày, triển lãm "Câu chuyện gia đình dân tộc Thái" và "Di sản văn hóa Thái", giới thiệu các hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ dân tộc, chữ và sách cổ, các sản phẩm văn hóa dân tộc Thái tiêu biểu.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Ngày hội, Ban tổ chức cũng tái hiện nghi lễ "Tẳng cẩu" trong ngày cưới của người Thái; triển lãm giới thiệu cấu trúc nhà ở truyền thống, bản, mường.

Ngoài ra, sắc màu văn hóa của 8 tỉnh tham dự Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái 2014 sẽ được khắc họa đậm nét qua phần giới thiệu các nghi lễ, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian...

Dân tộc Thái có trên 1 triệu người sinh sống tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa, sinh sống rải rác ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên do di cư.

Dân tộc Thái còn có những tên gọi khác là Táy và có các nhóm Táy Đăm, Táy Khao, Táy Mười, Táy Thanh, Hàng Tổng, Pu Thay, Thổ Đà Bắc.

Tiếng Thái thuộc hệ ngôn ngữ Tày-Thái.

Dân tộc Thái có mặt ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước, họ có nhiều kinh nghiệm đắp phai, đào mương, dựng cọn, bắc máng lấy nước làm ruộng nên trong dân gian thường truyền câu ca ''Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước''...

Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm với những nét hoa văn độc đáo sắc màu rực rỡ, bền đẹp.

Người Thái có chữ viết riêng nên kho tàng văn học dân gian như truyền thuyết, ca dao, truyện thơ, văn học, dân ca… và một số luật lệ còn được lưu giữ và truyền lại khá nguyên vẹn qua các bản ghi chép trên giấy bản hoặc trên lá cây. Một số tác phẩm truyện thơ nổi tiếng như ''Xống chụ xon xao,'' ''Khun Lú, Nàng ửa''…

Đồng bào Thái rất thích ca hát, nhiều điệu múa như múa xoè, múa sạp, múa quạt độc đáo của người Thái đã được trình diễn trên sân khấu trong và ngoài nước.

Vào dịp lễ hội, hạn khuống và ném còn là hai trò chơi mang nét đặc trưng văn hóa nổi tiếng của người Thái.

Một trong những đặc trưng nổi bật của dân tộc Thái là văn hóa ẩm thực. Dân tộc Thái ưa thích vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng của món nướng nên trước khi nướng thường tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ.

Gia vị để ướp là tiêu rừng (hay còn gọi là mắc khén), ớt, tỏi, gừng, muối..., các gia vị cũng được nướng lên cho chín, tỏa mùi thơm trước khi tẩm ướp.../. Thanh Giang

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục