Lâu nay nghe tiếng làng có những con cù lần dễ thương, hiền lành nên tôi quyết tâm tìm về đây để được mục sở thị một lần. Xe chạy từ trung tâm thành phố Đà Lạt hướng về cao nguyên Lang Biang khoảng 20km, qua những con đèo cua tay áo len lỏi trong những vạt nắng Tây Nguyên xuyên rừng thông cổ thụ đến được ngôi làng xinh xắn, nằm lọt thỏm giữa rừng thông dưới chân núi Lang Biang.
Bước chân vào làng là hai hàng cây cù lần xen với hoa kim châm vàng rực dẫn lối xuống hàng trăm bậc thang, qua cây cầu treo lắc lẻo bắc ngang dòng suối uốn lượn…
Đến nay, làng Cù Lần đã trở thành điểm đến thu hút khá đông khách du lịch. Tò mò về tên gọi làng Cù Lần, hỏi người dân nơi đây thì được biết người ta có nhiều cách giải thích về tên làng Cù Lần, nhưng cách mà dân làng kể vẫn được lưu truyền rộng rãi và thú vị nhất.
Câu chuyện kể có phần nhuốm màu cổ tích. Vào những năm đầu của thế kỷ 20, có chàng trai dưới đồng bằng lên núi, vào rừng với ước mơ nhặt đá xây thành một thiên đường giữa rừng để tặng người mình yêu. Có lẽ thời đó, ước mơ và cách làm khác người một cách khờ dại ấy đã khiến người đời gọi chàng là Cù Lần.
Lời đồn đại về thằng Cù Lần nhặt đá xây thiên đường trên núi cao, giữa rừng sâu cuối cùng truyền đến tai người con gái đã chiếm trọn trái tim chàng bấy lâu. Cô gái biết tin liền bỏ phố, lặn lội lên núi, vừa cảm động trước tình yêu chân thành của Cù Lần vừa choáng ngợp trước vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng hoang dã.
Cô đã nguyện cùng người yêu xây tổ uyên ương, lập nghiệp, khai mở ra ngôi làng sương khói bên bờ suối vắng, giữa thung xanh, giữa rừng hoa dại như chàng trai từng mơ ước. Từ đó người đời đặt tên làng Cù Lần.
Đến giờ ở đây vẫn còn lưu truyền những khúc hát, bài thơ về chàng Cù Lần: “Xin đừng hỏi yêu em nhiều ít/ Em ơi nhìn suối chảy ngày đêm/ Em hãy đếm Cù Lần khoe bóng/ Em cứ đong cạn nước vơi nguồn/ Nếu còn muốn em cần thêm nữa/ Để anh đưa lên đỉnh phong lan/ Em sẽ hét vang đồi hoa dại/ Xin ở đây ở mãi nơi này/ Anh không có giàu sang/ Không có nhà cao cái phố
Xin đem cái rừng hoa/ Đêm cái đồi xanh tặng em/ Dâng em lối nhỏ xinh/ Uốn quanh hồ xanh suối vắng/ Dâng em mái nhà tranh/ Khuất trong màn sương chiều về/ Anh không biết làm thơ/ Không hát lời hay có cánh/ Cho anh nói lời yêu/ Như đứa nhà quê thật thà/ Xin em hãy nhận đi/ Xác thân mẹ nuôi khôn lớn/ Xin em hãy nhận đi/ Trái tim mộng mơ/ Trái tim Cù Lần.”
Song thực tế có loài động vật tên cù lần khờ khạo thật (sống về đêm và nay có tên trong Sách Đỏ), bị đe dọa thường chỉ biết cuộn tròn lại, dùng hai tay che kín đôi mắt để tự vệ.
Đến khoảng những năm 60 của thế kỷ 20, khi cư dân K’Ho ở làng Cù Lần ngoài săn bắt, hái lượm còn khai thác cây cù lần và bắt những con cù lần có đôi mắt to tròn, ngô nghê nuôi hay bán cho khách thập phương thì ngôi làng này mới được biết đến nhiều hơn.
Sau nhiều thập kỷ khai thác, “vật đổi sao dời,” người dân xưa tản cư tứ xứ. Hình bóng, hồn cốt làng Cù Lần chỉ còn trong sử sách, trong những câu chuyện của già làng, trong ký ức của một thế hệ cũ, trong những chiều bóng núi chạng vạng phủ lên thung xanh một không khí huyền hoặc sương khói… Và năm nay, điều đáng buồn là con cù lần cuối cùng - biểu tượng của làng, đã phải rời đi vì lý do bảo tồn.
Giờ đây, ngôi làng với những căn nhà gỗ mái ngói đỏ nơi rừng hoang vắng này thích hợp với những ai yêu thiên nhiên thanh bình, tĩnh lặng, muốn tìm một không gian sống chậm để “nhấm nháp” cuộc sống, nghỉ trong khu nhà gỗ tiện nghi giữa rừng hoa hay cắm trại qua đêm dưới ánh lửa bập bùng, tiệc nướng rồi đàn, hát vang trời...
Một số hình ảnh về làng Cù Lần do phóng viên thực hiện: