Lan tỏa chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"

Bằng nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, chương trình “Đồng hành cũng phụ nữ biên cương” đã lan tỏa, giúp đỡ hàng nghìn chị em, hội viên phụ nữ các dân tộc vùng cao biên giới Sơn La thoát nghèo.
Nhà Mái ấm biên cương tại bản Phiêng Khàng, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Sau hơn một năm triển khai, bằng nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, chương trình “Đồng hành cũng phụ nữ biên cương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La phối hợp thực hiện cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lan tỏa, giúp đỡ hàng nghìn chị em, hội viên phụ nữ các dân tộc vùng cao biên giới thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình chị Vì Thị Hặc (dân tộc Xinh Mun) là hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại bản Phiêng Khàng, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn (Sơn La). Chồng chị mất sớm để lại một mình chị nuôi 3 người con đang trong tuổi ăn học, gia sản chỉ có mỗi căn nhà vách đất.

Chị chia sẻ cuộc sống của 3 mẹ con chị rất khó khăn, có khi không đủ cơm ăn, áo mặc. Năm 2018, nhờ các cấp Hội Phụ nữ và lực lượng Bộ đội Biên phòng giúp đỡ, mẹ con chị có nhà “Mái ấm biên phòng” để ở.

[Lớp xóa mù chữ đặc biệt trên dãy Trường Sơn xa xôi]

“Tôi rất biết ơn chương trình, các chị em, hội viên phụ nữ và cán bộ, chiến sỹ biên phòng. Từ nay, tôi yên tâm đi làm nương kiếm sống , không phải lo lắng các con ở nhà không có chỗ trú mưa, trú nắng,” chị Hặc nói.

Mới đây, gia đình chị Lò Thị Dương (dân tộc Xinh Mun) ở bản Co Hày, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn đã được chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ 10 bao ngô giống. Chị cho biết chị mới lập gia đình nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả.

Chương trình không chỉ hỗ trợ cây, con giống để chị phát triển kinh tế mà các cấp Hội Phụ nữ cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng còn thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chia sẻ kiến thức kinh tế-xã hội giúp chị hiểu biết, tự tin hơn trong cuộc sống.

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại tỉnh Sơn La được triển khai, thực hiện ở 17 xã biên giới thuộc 6 huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã và Sốp Cộp. Đây là những xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa với hơn 80% chị em, hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số.

Theo bà Phạm Thị Hà – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La, việc triển khai, thực hiện chương trình hiện còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo nhiều, trong khi đó trình độ nhận thức của chị em hạn chế, tỷ lệ mù chữ còn cao.

Năm 2018, chương trình đã đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ chị em, hội viên phụ nữ như thăm hỏi, động viên và tặng quà cho chị em, hội viên phụ nữ nghèo; tặng hàng trăm phần quà, học bổng cho con hội viên phụ nữ nghèo vượt khó; trao khoảng 100 cây, con giống; hỗ trợ thành lập mô hình kinh tế phụ nữ; xây 10 nhà “Mái ấm biên cương,” nhà tạm; trao sổ tiết kiệm… với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp được chương trình hỗ trợ vay vốn trên địa bàn tỉnh Sơn La. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Đại tá Vũ Đức Tú – Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cho biết Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện không chỉ tập trung vào các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo mà còn giúp chị em, hội viên nâng cao nhận thức, có hiểu biết đúng đắn về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó, chung tay cùng lực lượng Biên phòng đóng quân trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên phòng ngày càng vững mạnh.

Trong thời gian tới, các đồn biên phòng sẽ tiếp tục cùng các cấp Hội Phụ nữ tổ chức các chuyên đề tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, pháp luật cũng như nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ như mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; bao lực gia đình; buôn bán ma túy, tội phạm; truyền và học đạo trái pháp luật; xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới…

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục có những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm lan tỏa ý nghĩa chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực từ cộng đồng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo, hướng tới phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không có ai bị bỏ lại phía sau.” Theo đó, tiếp tục hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế, có kế hoạch phối hợp với Ngân hàng Chính sách cho vay vốn giúp chị em, hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, phát huy vai trò chủ động, tích cực của phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Cùng với đó, kêu gọi xã hội hóa xây dựng các công trình an sinh xã hội và giải quyết việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ các dân tộc vùng cao biên giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục