Lãnh đạo cấp phó ở Hội đồng nhân dân: Giữ nguyên hay giảm linh hoạt?

Một trong những sự thay đổi lớn trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương chính là quy định về việc giảm số cấp phó.
Lãnh đạo cấp phó trong Hội đồng nhân dân sẽ giảm bớt chỉ còn 1-2 người. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Lãnh đạo cấp phó trong Hội đồng nhân dân sẽ giảm bớt chỉ còn 1-2 người. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Trao đổi với phóng viên bên lề phiên họp Quốc hội ngày 25/10, đại biểu Quốc hội tán thành việc tinh giản số lượng cấp phó, tuy nhiên giảm như thế nào thì cần phải làm rõ hơn theo yêu cầu công việc của từng vị trí.

Giảm cấp phó ở Hội đồng nhân dân

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương chính đề xuất giảm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Hiện nay, dự thảo đề xuất giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện xuống còn một người.

Số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 phương án: Phương án 1 là giữ nguyên quy định có 2 Phó Chủ tịch và phương án 2 quy định lãnh đạo hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Về số lượng Phó trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng có 2 phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Phương án 1 quy định có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Phương án 2 quy định Hội đồng nhân dân cấp cấp tỉnh có không quá 2 Phó Trưởng ban, trong đó có 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

[Bộ Nội vụ: Thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa quyết liệt]

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương chính, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đối với hội đồng nhân dân cấp huyện thì đa số ý kiến thống nhất. Đối với hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

“Đối với việc giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Trưởng ban) hoặc quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn,” ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.

Tương lai chỉ cần một cấp phó

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đồng tình với quy định không nên có quá nhiều cấp phó vì dễ dẫn đến chồng chéo trong chỉ đạo, hiệu quả sẽ không cao.

Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, việc tăng giảm cấp phó liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nên phải nhìn nhận rất khách quan, tuỳ từng đơn vị và chức năng nhiệm vụ của đơn vị đó, phụ trách khối lượng công việc như thế nào mà sắp xếp hợp lý.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nhận định : “Việc tinh giản bộ máy Nhà nước chúng ta đã đưa ra rất nhiều lần từ chủ trương đến hành động nhưng làm vẫn chưa triệt để, lần này chúng ta sửa đổi đã quy định cứng trong luật, có tính chất bắt buộc chứ không tuỳ nghi như trước nữa. Trước đây, số phó là do cấp có thẩm quyền dưới luật quy định nhưng lần này chúng ta quy định cơ cấu cứng trong luật, đây là những bước để hướng tới tinh giản biên chế, trong đó có cả số lượng lãnh đạo quản lý điều hành các cấp chính quyền."

Lãnh đạo cấp phó ở Hội đồng nhân dân: Giữ nguyên hay giảm linh hoạt? ảnh 1Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh vấn đề quan trọng là phải xác định được phân công nhiệm vụ một chức danh trong chính quyền theo hướng tường minh, rạch ròi, không có chồng lấn thì việc xác định vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo quản lý sẽ cụ thể hơn.

“Chúng ta nói nhiều về ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là khi mà cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, chúng ta hoàn toàn có thể tinh giảm, tiết giản số lưỡng lãnh đạo ở các cấp. Tôi nghĩ rằng trong một tương lai không xa chúng ta chỉ cần một cấp phó thôi,” đại biểu Lê Thanh Vân cho hay.

Vị đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau thẳng thắn chỉ ra rằng sở dĩ hiện nay có nhiều cấp phó là do năng lực cán bộ chưa đáp ứng được giải quyết cùng lúc nhiều công việc, chưa quen với áp lực và do phân công không rành mạch. Bên cạnh đó, chúng ta chưa áp dụng hiệu quả khoa học công nghệ để tiết giảm thời gian, rút ngắn quy trình xử lý nên mới nhiều việc, trong đó có nhiều việc không đáng có. Chẳng hạn, có thể áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để điều hành công việc, giảm bớt các cuộc hội họp, họp chỉ đạo...

“Hiện nay, thay vì tập trung làm thể chế thì lại đi dự họp, khởi công, chỉ huy… nên số lượng cấp phó nhiều. Nếu áp dụng công nghệ, đổi mới quy trình công tác, quy định rõ chức năng nhiệm vụ của từng chức danh thì sẽ rút gọn được. Ở các nước phát triển thì số phó vô cùng ít, chẳng hạn như Mỹ là một nước có quy mô kinh tế xã hội lớn như vậy chỉ có duy nhất một Phó Tổng thống,” đại biểu Lê Thanh Vân nói./.

Đại biểu Lê Thanh Vân nói về việc tinh giản lãnh đạo cấp phó:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục