Lãnh đạo châu Phi bàn về thách thức đối với tăng trưởng

Các nhà lãnh đạo châu Phi đã cùng khẳng định sự cần thiết của việc giải quyết tình trạng bất ổn và thiếu hụt cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của châu lục này.
Lãnh đạo châu Phi bàn về thách thức đối với tăng trưởng ảnh 1Các nước châu Phi chuẩn bị xây dựng hệ thống đường sắt xuyên châu lục này để thúc đẩy giao thương. (Nguồn: africandynamo.com)

Trong khuôn khổ các cuộc họp của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đang diễn ra tại thủ đô Kigali của Rwanda, ngày 22/5, các nhà lãnh đạo châu Phi đã cùng khẳng định sự cần thiết của việc giải quyết tình trạng bất ổn, nhằm đảm bảo châu lục phát triển bền vững.

Phát biểu tại phiên họp mang tên "Hãy lên tiếng! Đối thoại với các nhà lãnh đạo," Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba cho rằng mặc dù châu Phi có nguồn tài nguyên to lớn và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, song tình trạng bất ổn ở nhiều khu vực đã cản trở sự phát triển bền vững.

Ông Odimba khẳng định chỉ khi đảm bảo được an ninh trước những mối đe dọa nội bộ, trong khu vực và trên toàn châu lục, châu Phi mới có thể phát triển thực sự, bảo vệ các thành quả đã đạt được và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy hòa nhập.

Chia sẻ quan điểm trên, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni viện dẫn số liệu cho thấy châu Phi có tốc độ tăng trưởng mà không châu lục nào đạt được trong vòng 50 năm qua. Tuy nhiên, việc tăng trưởng mạnh mẽ mà không có đủ cơ sở hạ tầng dẫn tới những lĩnh vực như sản xuất, vốn có khả năng tạo ra nhiều việc làm, lại không phát triển.

Ông Museveni cho biết Uganda, Kenya và Rwanda đang hợp tác thực hiện nhiều dự án xây dựng đường sắt, đường bộ, tạo điều kiện cho thương mại khu vực Đông Phi.

Trong khi đó, Tổng thống nước chủ nhà Paul Kagame kêu gọi các nước châu Phi tránh xu hướng chỉ chú trọng vào phát triển nội bộ. Ông Kagame cũng nhấn mạnh việc châu Phi cần làm hiện tại là xây dựng cơ sở hạ tầng vươn ra khỏi phạm vi quốc gia, đồng thời coi trọng tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo công dân châu Phi được hưởng lợi đầu tiên.

Mặc dù châu Phi có nguồn tài nguyên khổng lồ với đất đai màu mỡ, giàu khoáng sản và dầu mỏ, song đây vẫn là châu lục nghèo nhất thế giới do hàng loạt trở ngại như xung đột.

Về phần mình, Phó Tổng thống Kenya William Ruto bày tỏ lạc quan cho rằng châu Phi sẽ sớm vượt qua các thử thách nói trên, trong bối cảnh rất nhiều quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp hóa và hợp tác khu vực. Chẳng hạn, nhờ sự hợp tác ở khu vực Đông Phi, hàng hóa từ thành phố Mombasa của Kenya có thể đến Kigali chỉ trong sáu ngày thay vì 22 ngày như trước kia.

Cũng trong ngày 22/5, AfDB và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) đã ký kết một thỏa thuận tài chính mới trị giá 2 tỷ USD, nhằm thành lập một cơ chế đầu tư toàn châu Phi mang tên "Quỹ Phát triển chung châu Phi" (AGTF). Quỹ này dự kiến sẽ cung ứng trong thời hạn 10 năm, song song với quỹ riêng của AfDB./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.