Lãnh đạo Pháp, Đức để ngỏ cánh cửa đàm phán tiếp với Hy Lạp

"Cánh cửa đã lại mở cho các cuộc thương lượng tiếp theo" là tuyên bố được Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra sau cuộc gặp tay đôi giữa hai nhà lãnh đạo.
Lãnh đạo Pháp, Đức để ngỏ cánh cửa đàm phán tiếp với Hy Lạp ảnh 1Tổng thống Pháp François Hollande (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: Bloomberg News )

"Cánh cửa đã lại mở cho các cuộc thương lượng tiếp theo" là tuyên bố được Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra sau cuộc gặp tay đôi giữa hai nhà lãnh đạo vào chiều tối ngày 6/7 tại Paris.

Tuyên bố này cho thấy nỗ lực của lãnh đạo hai nước được coi là đầu tàu dẫn dắt toàn bộ châu Âu trong việc tìm kiếm một giải pháp nhằm giải quyết "cuộc khủng hoảng hậu trưng cầu ý dân Hy Lạp."

Tuy nhiên, ông Hollande cũng lưu ý "giờ là lúc Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cần phải đưa ra những đề xuất nghiêm túc, đáng tin và mong muốn ở lại Eurozone cần được thể hiện bởi một kế hoạch có tính dài hạn."

Thủ tướng Đức Angela Merkel thì nhấn mạnh thêm rằng "hiện chúng tôi đang đợi những đề xuất cụ thể từ phía Thủ tướng Hy Lạp, và giờ đã là thời điểm rất gấp để nhận những đề xuất này từ đó chúng ta có thể tìm thấy một lối thoát cho tình hình hiện nay". Bà Merkel cũng cho rằng cần phải tính đến "phản ứng của 18 nước còn lại trong eurozone sau cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp ngày 5/7 bởi đó là nền dân chủ và chúng ta chia sẻ một chủ quyền chung, vậy thì tất cả cần có trách nhiệm và thể hiện tình đoàn kết."

Quan điểm thống nhất của hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức sau cuộc gặp tối 6/7 sẽ là cơ sở nền tảng tại cuộc gặp thượng đỉnh lãnh đạo 19 nước khu vực đồng euro diễn ra vào tối ngày 7/7 tại Brussels. Tuy nhiên, theo tinh thần Tuyên bố Pháp-Đức tại cuộc họp báo chung của Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel, ngay từ thời điểm này, Hy Lạp và cả châu Âu có thể hy vọng vào một thỏa hiệp nhằm giữ Hy Lạp ở lại khu vực Eurozone với những nhượng bộ từ phía các chủ nợ và các đề xuất mới nghiêm túc và đáng tin cậy từ phía chính phủ Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.