Lào Cai: 78% hộ gia đình trong tỉnh có nhà tiêu hợp vệ sinh

Trong nhiều năm qua tỉnh Lào Cai đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về vệ sinh môi trường đặc biệt là làm và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ngành y tế Lào Cai xây dựng và đẩy mạnh kế hoạch Truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh. (Ảnh: TTXVN)

Sở Y tế Lào Cai xây dựng và đẩy mạnh kế hoạch Truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh và trường học thuộc Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" vay vốn ngân hàng thế giới tỉnh Lào Cai năm 2018.

Trong nhiều năm qua tỉnh Lào Cai đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về vệ sinh môi trường đặc biệt là làm và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Với đặc thù là một tỉnh có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, dân cư phân bố thưa thớt nên tỉnh Lào Cai đã chủ yếu chọn phương thức truyền thông trực tiếp và thu được những kết quả khả quan.

[Hà Nội phát triển y tế học đường, nâng cao thể chất học sinh]

Chương trình đã đạt được nhiều kết quả như: Nhận thức của người dân đối với vấn đề về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường bảo vệ sức khỏe còn rất hạn chế. Thói quen đi tiêu bừa bãi ra ngoài môi trường, hay việc thu gom phân, nước, rác thải đặc biệt ở khu vực nông thôn vẫn còn là vấn đề bức xúc.

Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh trong toàn tỉnh tính đến cuối năm 2017 là 78%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đã tăng từ 43 % năm 2012 lên 70% đến cuối năm 2017 (tăng 26%). Qua đó đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân khu vực nông thôn của tỉnh Lào Cai.

Tình trạng hộ gia đình không có nhà tiêu hoặc có nhà tiêu nhưng không hợp vệ sinh trên địa bàn toàn tỉnh chiếm khoảng gần 21,7%.

Kết quả xét nghiệm nước sinh hoạt khu vực nông thôn trong nhiều năm cho kết quả trên 66,1% số mẫu nước xét nghiệm không đạt QCVN 02/2009/BYT. Tuy nhiên còn nhiều nơi nhân dân thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô từ 4- 5 tháng/năm do không có nguồn nước. Phân rác thải của người, gia súc không được thu gom và xử lý triệt để.

Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn chưa có thói quen rửa tay với xà phòng vào các thời điểm trong ngày. Tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 56%. Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có công trình nước và nhà tiêu trạm hợp vệ sinh đạt 70%.

Tính đến cuối năm 2017, theo số liệu thống kê của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hiện còn 47/164 trạm y tế cần được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp xây mới công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm 30%.

Toàn tỉnh Lào Cai có 201 trường, 784 điểm trường mầm non, 46.913 trẻ; 231 trường, 655 điểm trường tiểu học. Tuy nhiên, số công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh trường học chỉ đạt khoảng 37%.

Lào Cai là tỉnh miền núi đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Điều kiện vệ sinh môi trường còn kém, nhận thức của người dân đối với vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đặc biệt là việc xây dựng sử dụng bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh còn chưa cao, thói quen không rửa tay thường xuyên với xà phòng còn phổ biến.

Rửa tay với xà phòng làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. (Ảnh: TTXVN)

Trước thực trạng như vậy cần phải có Kế hoạch can thiệp vệ sinh môi trường vào các xã vùng nông thôn giai đoạn 2016-2020 nhằm đạt được các chỉ tiêu về vệ sinh môi trường của Chính phủ.

Đạt được kết quả trên, Chương trình được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các đoàn thể và sự ủng hộ của nhân dân vùng nông thôn trong toàn tỉnh.

Đặc biệt là sự phối hợp tốt trong quá trình thực hiện của 3 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Giáo dục và đào tạo. Trong Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và cấp nước nông thôn dựa trên kết quả đầu ra giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã lựa chọn 35 xã thuộc 8 huyện trên địa bàn để phấn đấu đạt danh hiệu xã " Vệ sinh toàn xã" nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh các nhân và đặc biệt xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục