Sáng 25/7, tại thủ đô New Dehli của nước này, chương trình "Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Quảng bá Du lịch Lào Cai-Ấn Độ" đã diễn ra thành công dưới sự phối hợp tổ chức của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Phòng Thương mại Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ và một số phòng thương mại, hiệp hội của nước chủ nhà.
Tham dự hội thảo về phía Việt Nam có ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Thanh Hải, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, bà Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai cùng lãnh đạo các ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai.
Về phía Ấn Độ có ông Amarendra Khatua, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ cùng đại diện các hiệp hội và hơn 80 doanh nghiệp Ấn Độ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Xuân Phong khẳng định mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được gây dựng và vun đắp qua nhiều thế hệ.
Lịch sử quan hệ Việt Nam-Ấn Độ bắt nguồn từ quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo từ hơn 2.000 năm trước và được hai lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru gây dựng, vun đắp, đến nay đã nâng tầm lên thành "Đối tác Chiến lược Toàn diện."
Ông cho biết Lào Cai đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tốt nhất để chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là từ Ấn Độ.
Lào Cai mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai bên có thể phát huy lợi thế, kết nối hợp tác để xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Lào Cai với các địa phương, doanh nghiệp và nhà đầu tư của Ấn Độ trên cơ sở kế thừa mối quan hệ tốt đẹp, sẵn có của hai quốc gia.
Ông Đặng Xuân Phong nhấn mạnh Lào Cai mong muốn và kỳ vọng sớm được chào đón làn sóng các nhà đầu tư, doanh nghiệp Ấn Độ, nhất là các tập đoàn, công ty lớn, giữ vai trò dẫn đầu xây dựng khu công nghiệp chế biến dược liệu tại Lào Cai.
Lào Cai cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và nhà đầu tư Ấn Độ tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài.
Ông nêu rõ sự thành công, thịnh vượng và phát đạt của các doanh nghiệp Ấn Độ chính là mong muốn của chính quyền tỉnh Lào Cai, cũng như là thành quả phát triển chung của cả hai bên.
Bà Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã giới thiệu về những thế mạnh của tỉnh, như Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia; Bắc Hà, Y Tý được Chính phủ định hướng trở thành khu du lịch quốc gia trong tương lai.
Năm 2023, Sa Pa được tạp chí du lịch quốc tế CN Traveler bình chọn là một trong 50 thị trấn đẹp nhất thế giới.
Lào Cai cũng có thế mạnh về công nghiệp chế biến gắn với hoạt động khai khoáng, với trên 35 loại khoáng sản và 150 điểm mỏ có trữ lượng lớn.
Bên cạnh đó, Lào Cai còn được xem là một trong 8 vùng trọng điểm của Việt Nam về sản xuất cây dược liệu.
Với khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc, Lào Cai là một kho tàng dược liệu có giá trị y dược vô cùng cao. Những cây thuốc này là thành phần quan trọng trong sản xuất các loại biệt dược, mang lại tiềm năng phát triển lớn cho ngành công nghiệp dược phẩm.
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai đã áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
[Bang Kerala của Ấn Độ tăng cường hợp tác với địa phương Việt Nam]
Bà Giàng Thị Dung đã đề xuất một số lĩnh vực hợp tác, đầu tư cụ thể mà doanh nghiệp Ấn Độ có thể tham gia triển khai tại Lào Cai bao gồm: Chế biến và sản xuất dược liệu, hợp tác liên kết du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ cao.
Đại sứ Nguyễn Thanh Hải khẳng định quan hệ Việt Nam và Ấn Độ đang ở thời kỳ phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch là những trụ cột quan trọng và phát triển nhanh trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ông cho rằng sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tầm vóc của mối quan hệ chính trị, văn hóa và sự tin cậy rất cao giữa hai nước.
Theo ông, kết nối là một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển thương mại, du lịch và đầu tư giữa hai nước.
Đến cuối năm 2023, mỗi tuần sẽ có tới 60 chuyến bay trực tiếp giữa các thành phố lớn của hai nước, tạo ra cơ hội lớn cho các lĩnh vực, đặc biệt là du lịch.
Do đó, xúc tiến thương mại của các địa phương tới Ấn Độ, trong đó có Lào Cai có ý nghĩa vô cùng lớn và cần thiết.
Đại sứ Nguyễn Thanh Hải khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ những hoạt động này.
Tham dự hội thảo, các đại biểu Ấn Độ khẳng định Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng là điểm đến hàng đầu đối với các nhà đầu tư và du khách Ấn Độ nhờ môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, kinh tế năng động, con người thân thiện và vẻ đẹp thiên nhiên vượt trội.
Một số ý tưởng độc đáo đã được phía Ấn Độ đưa ra tại hội thảo như biến Lào Cai trở thành điểm lựa chọn để quay phim cho điện ảnh Bollywood; biến Lào Cai thành điểm du lịch golf thu hút du khách Ấn Độ; thúc đẩy hai nước hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng, thanh toán UPI bằng đồng nội tệ, hợp tác khởi nghiệp, tổ chức đoàn doanh nghiệp Ấn Độ tới Việt Nam và Lào Cai.
Tại Hội thảo, 6 Biên bản ghi nhớ (MoU) đã được ký giữa Sở Kế hoạch Đầu tư Lào Cai và Phòng Thương mại, Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ; giữa Hiệp hội Du lịch Lào Cai với Phòng Thương mại, Công nghiệp Ấn Độ, Hiệp đội điều hành các nhà du lịch nước ngoài Ấn Độ, Phòng Thương mại truyền thông và giải trí, Công ty du lịch STIC; giữa Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam và Hiệp hội Tài nguyên Toàn cầu./.