Lào Cai xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Lào Cai đã khảo sát, đánh giá tính khả thi để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Kết nối di sản từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie-Bát Xát-Bắc Hà (Lào Cai)-Xín Mần (Hà Giang).

Thời điểm để ngắm mùa lúa chín Y Tý là vào hai tuần đầu tháng 9. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Thời điểm để ngắm mùa lúa chín Y Tý là vào hai tuần đầu tháng 9. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Nhằm triển khai hiệu quả các nội dung thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 8, Sở Du lịch Lào Cai đã khảo sát, đánh giá tính khả thi để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là Kết nối di sản từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie-Bát Xát-Bắc Hà (Lào Cai)-Xín Mần (Hà Giang).

Từ ngày 30/7-3/8, Sở Du lịch Lào Cai đã tổ chức chương trình khảo sát tiền trạm các điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và đối tác cung ứng dịch vụ trên tuyến. Khảo sát thực tế các di sản trên tuyến (di sản ruộng bậc thang, danh thắng di tích, con đường đá cổ pavie…), cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch; thống nhất lộ trình, phương án khảo sát và các điều kiện cần thiết để tổ chức chương trình FAMTRIP chính thức dành cho các công ty du lịch và các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch.

Sau khi khảo sát tiền trạm, Sở xây dựng sản phẩm và tổ chức đoàn FAMTRIP đánh giá thực tế sản phẩm; tiếp thu ý kiến và kết quả khảo sát sẽ tiến hành hoàn thiện sản phẩm du lịch Kết nối con đường di sản, bàn giao cho các địa phương quản lý và tổ chức cho doanh nghiệp khai thác gồm xây dựng video giới thiệu sản phẩm du lịch thời lượng 2-3 phút; thiết kế, xây dựng bản đồ chương trình du lịch và tập gấp giới thiệu về sản phẩm du lịch; xây dựng danh mục các cơ sở cung ứng dịch vụ phục vụ sản phẩm du lịch; phương án truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch; kế hoạch tổ chức tập huấn đào tạo cho các cá nhân, cơ sở tham gia cung ứng dịch vụ…

Vào dịp Lễ hội mùa Thu của huyện Bát Xát (từ ngày 10/8-13/8), Sở tổ chức đoàn khảo sát tiềm năng, thế mạnh của chương trình du lịch đã xây dựng, đánh giá các điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của sản phẩm du lịch mới. Đồng thời thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai thông qua các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của các đơn vị doanh nghiệp, cơ quan báo chí truyền thông tham qua chương trình FAMTRIP.

Sở Du lịch Lào Cai cũng tổ chức chương trình Hội nghị xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai: Kết nối di sản từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie-Bát Xát-Bắc Hà (Lào Cai)-Xín Mần (Hà Giang) và công bố, bàn giao sản phẩm cho địa phương quản lý, tổ chức khai thác vào trung tuần tháng 8 tại xã Mường Hum, huyện Bát Xát.

Sin Suối Hồ (Lai Châu)

Sin Suối Hồ được gọi là "Thiên đường trong mây" bởi khi tới đây, du khách sẽ được đắm chìm trong biển mây vào mỗi sáng sớm, ngâm mình dưới dòng nước mát lạnh của thác Tình Yêu, thác Trái Tim, chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang ngào ngạt hương lúa chín say đắm lòng người...

Đến Sin Suối Hồ du khách sẽ được nghe kể về hành trình mà người dân nơi đây cùng nhau gắn bó và xây dựng, đưa một bản từ nghèo khó trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia các tiết mục văn nghệ mà người dân địa phương tổ chức,tham quan chợ phiên Sin Suối Hồ - nơi nghề dệt, thêu thổ cẩm truyền thống được bảo tồn, tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo.

ttxvn-sin_suoi_ho_7283878.jpg
Trang phục của người dân cũng như trẻ nhỏ bản Sin Suối Hồ vẫn gìn giữ đúng với bản sắc của dân tộc Mông. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Ẩm thực ở Sin Suối Hồ phong phú và đa dạng như lợn bản đủ món, nộm rau dớn rừng, lẩu cá tầm, sâu măng chiên giòn, xôi nếp nương, thắng cố, thịt hun khói, rau cải mèo.... Tất cả đều tươi ngon và đậm chất ẩm thực của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc.

Sin Suối Hồ mùa nào cũng đẹp, mùa Xuân có hoa đào, hoa mận, ngọt ngào cả một vùng. Mùa Hè ở đây không khí trong lành với những dòng suối mát rượi. Còn mùa Thu, ruộng bậc thang vàng ươm cả đất trời, hương thơm mùi lúa chín thoang thoảng, dễ chịu.

Đường đá cổ Pavie

Đường đá cổ Pavie hay còn gọi là đường đá cổ Pavie là con đường nối liền hai huyện Bát Xát (Lào Cai) và Phong Thổ (Lai Châu), có chiều dài 14km.

Con đường này được xây dựng vào thời Pháp thuộc, hoàn thành năm 1927 với mục đích tuần tra, vận chuyển khoáng sản và thảo quả sang Nhìu Cồ San. Gần 5 vạn đồng bào Mông, Dao đã đổ mồ hôi và tính mạng trong 5 năm để hoàn thành 80km đường mòn trải đá.

duong da co pavie.jpg
(Ảnh: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Lào Cai)

Với sự phát triển của đường xá hiện đại nối liền 2 tỉnh Lào Cai-Lai Châu thông qua đèo Ô Quy Hồ, con đường dần bị lãng quên và bỏ lại giữa rừng sâu, nhưng khoảng 30km đường đá vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Cung đường sẽ bắt đầu từ bản Chà Phà, đi qua cung đường tuyệt đẹp với rừng nguyên sinh, ruộng bậc thang, suối… đến điểm kết thúc là bản Sàng Ma Pho.

Bát Xát

Bát Xát là một địa danh du lịch Lào Cai đầy tiềm năng nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai. Cả bốn hướng Bát Xát đều giáp với những địa danh quan trọng của Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh việc sở hữu một vị trí đắc địa, nơi đây còn là đầu nguồn chảy vào của sông Hồng khiến nó trở thành một vùng địa lý kinh tế vô cùng quan trọng đối với Việt Nam.

Bát Xát thu hút du khách với những nét riêng độc đáo. Đến với mảnh đất “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” này, du khách sẽ được khám phá khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành cùng với sự đa dạng các nền văn hóa, văn minh bởi đây cũng là nơi sinh sống của hơn 14 dân tộc với 82% là người dân tộc thiểu số.

ttxvn-y ty2.jpg
Sắc vàng trên các sóng lúa trập trùng, xen kẽ là những nếp nhà lợp gỗ. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Bát Xát (Lào Cai) là một trong những điểm đến lý tưởng cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của miền núi phía Bắc Việt Nam cũng như trải nghiệm nền văn hóa đa dạng của các dân tộc.

Một số điểm du lịch bạn nên ghé qua khi đến Bát Xát phải kể đến Ý Tý, Cột cờ Lũng Pô, Kỳ Quan San (Bạch Mộc Lương Tử), Cầu Thiên Sinh-Cột Mốc Số 87, chợ Mường Hum,...

Bắc Hà

Huyện Bắc Hà nằm ở phía đông bắc tỉnh Lào Cai, phía bắc giáp huyện Si Ma Cai, phía nam giáp 2 huyện Bảo Yên và Bảo Thắng, phía đông giáp với huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang và phía tây giáp huyện Mường Khương.

Nếu bạn muốn du lịch Lào Cai, Bắc Hà là sự lựa chọn không thể thiếu bởi cảnh vật tự nhiên nơi đây cùng những địa điểm đẹp đến nao lòng.

ttxvn-den bac ha.jpg
Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội Đền Bắc Hà. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)\

Bắc Hà được mệnh danh là cao nguyên trắng của vùng Tây Bắc, là địa điểm du lịch nổi tiếng của du khách mỗi khi có dịp ghé Lào Cai. Nơi đây mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, những cảnh sắc thiên nhiên ban tặng và cả những nét đẹp văn hoá đậm chất riêng,...

Một số điểm du lịch nổi tiếng ở Bắc Hà như Thung lũng hoa Bắc Hà; đền Bắc Hà, Dinh thự Hoàng A Tưởng, Núi cô Tiên, đền Trung Đô,...

Xín Mần

Xín Mần là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố khoảng hơn 10km.

Ngay trên những cung đường dẫn tới miền đất Xín Mần, du khách đã không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh vật tuyệt đẹp nơi đây. Hiện ra hai bên đường là những dãy núi trùng trùng điệp điệp, là thảo nguyên ngút ngàn và những khu rừng nguyên sinh bát ngát.

Nơi đây mỗi mùa đều mang một màu sắc khác nhau, lại chào đón khách du lịch với những hình ảnh mới lạ và say đắm lòng người. Vào tháng 9 đến tháng 10, bạn sẽ được tận hưởng hương lúa chín thơm ngào ngạt phảng phất từ những thửa ruộng bậc thang bao la. Còn những ngày đầu đông thì nơi đây lại chìm trong sắc hồng mộng mơ của những bông hoa tam giác mạch phủ kín các triền đồi.

ttxvn-suoi_thau_.jpg
Thảo nguyên Suôi Thầu (Xín Mần, Hà Giang). (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Bước qua mùa Xuân, mùa Hạ ấm áp những ngọn núi nơi đây sẽ đắm mình trong sắc xanh mơn mởn của cây cối và lộc non. Chính vì thế thật không ngoa khi nói nơi đây mang vẻ đẹp tiên cảnh mà bất cứ ai cũng không nên bỏ lỡ.

Không chỉ có vẻ đẹp của cảnh sắc mà con người tại Xín Mần Hà Giang cũng gây ấn tượng trong lòng du khách bởi sự hồn hậu, chân phương và thân thiện. Những người đồng bào dân tộc thiểu số tại đây bốn mùa đều làm lụng vất vả trên những thửa ruộng bậc thang, mang sức lao động của mình để đổi lại cuộc sống ấm no.

Một số điểm du lịch nổi tiếng ở Xín Mần như Khu du lịch Thác Tiên-Đèo Gió; bãi đá cổ Nấm Dẩn; thảo nguyên Suôi Thầu, Cốc Pài; hang Thần tiên ở Nà Ma; hang Thiên Thủy; cửa khẩu Xín Mần..../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.