Lễ hội Tết 2021: Đề xuất phân nhóm địa phương để có giải pháp phù hợp

Nhiều địa phương có nguy cơ cao bùng phát dịch COVID-19 sẽ phải dừng triệt để các lễ hội, nghi lễ tôn giáo và các hoạt động văn hóa mừng Xuân.
Lễ rước kiệu tại Lễ hội Đền Trần Thương. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)
Lễ rước kiệu tại Lễ hội Đền Trần Thương. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp khi số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đang tăng cao, nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa dịp cận Tết và trong Tết tại Đà Nẵng, Hội An, Bắc Giang,… đã thông báo tạm dừng.

Cụ thể, ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ thị huỷ chương trình “Phiên chợ ngày Tết 2021,” “Chợ phiên đồ xưa Đà thành,” và lễ khai mạc triển lãm “Tiền Việt Nam qua các thời kỳ.” Riêng triển lãm “Tiền Việt Nam qua các thời kỳ” vẫn sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng từ ngày 30/1 đến hết ngày 18/2. Du khách đến tham quan sẽ thực hiện các quy định phòng chống dịch.

Cùng ngày, ban tổ chức lễ hội tại Làng Văn hoá Cơ Tu Toom Sara huyện Hoà Vang, Đà Nẵng dự kiến được diễn ra vào ngày 14 -15/2 tức mùng 3 và mùng 4 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cũng đã đưa ra thông báo sẽ tạm dừng hoạt động.

Xác định là địa phương có nguy cơ cao lây nhiễm virus SARS-CoV2, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 50 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá: “Việc dừng tổ chức lễ hội đã ảnh hưởng đến nguồn thu của các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phục vụ du khách tại lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh. Tuy nhiên, các địa phương cần nghiêm túc triển khai quy trình phòng chống dịch trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành.”

[Hà Nội đảm bảo mùa lễ hội 2021 an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19]

Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương đã đề xuất phân nhóm các địa phương để thực hiện các giải pháp phù hợp.

Đối với các tỉnh tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thấp thì giảm quy mô, thời gian tổ chức lễ hội, thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động hội trong lễ hội. Trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao thì sẽ căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội.

Đối với địa phương nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, cần thực hiện dừng hẳn khai mạc, tổ chức các loại hình lễ hội tập trung đông người trên địa bàn đến khi tình hình dịch bệnh được khống chế.

Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 25/TB-VP, truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Chử Xuân Dũng, về việc tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố.

Theo đó, để thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2021 trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu ủy ban nhân dân thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

"Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tiếp tục các biện pháp tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, khu vực diễn ra lễ hội. Các điểm diễn ra lễ hội, cần bố trí người hướng dẫn để người dân và du khách biết và thực hiện,” Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu.

Trao đổi với phóng viên báo VietnamPlus ngày 29/1, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết: “Sở sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác tổ chức lễ hội.”

“Chúng tôi đã yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trên các bảng hướng dẫn, tờ rơi, loa phát thanh... cho nhân dân tại các điểm du lịch, bảo tàng, di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; các cơ sở hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; địa điểm tổ chức lễ hội. Cụ thể là bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động lễ hội,” ông Tô Văn Động cho biết.

“Về việc dừng tổ chức các lễ hội trên địa bàn thành phố, chúng tôi cũng đang chờ chỉ đạo cụ thể của Ủy ban nhân dân thành phố, dựa trên tình hình thực tế,” ông nói thêm.

Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội nhất trong cả nước với hơn 1.200 lễ hội, tập trung chủ yếu vào những tháng đầu năm, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, các địa phương trên địa bàn Hà Nội chỉ tổ chức được 139 lễ hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục