Thếp vàng pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

Lễ thếp vàng pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn trong dịp Festival Huế 2014 và cũng là sự kiện đặc biệt đón mùa Phật Đản năm nay, năm Phật lịch 2558.
Lễ thếp vàng pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ảnh 1Nghi lễ thếp vàng pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Trong khuôn khổ Festival Huế 2014, ngày 19/4, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tổ chức trọng thể Lễ thếp vàng pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Lễ thếp vàng do nghệ nhân ưu tú Trần Độ cùng các nghệ nhân, thợ giỏi làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) thực hiện.

Đây là pho tượng thứ 3 do nghệ nhân Trần Độ thực hiện, sau khi hoàn thành tiến hành dâng cúng lên Thiền viện Trúc Lâm, Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Hai pho tượng trước đó, một pho tượng đã được trao tặng cho Viện Trần Nhân Tông thuộc Trường đại học Harvard, Hoa Kỳ; pho thứ 2 đã dâng tặng và cung thỉnh đến nhà thờ Tổ ở chùa Trường Sa.

Thượng tọa Thích Huệ Phước, Phó Ban trị sự, Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa lớn trong dịp Festival Huế 2014 và cũng là một sự kiện đặc biệt chuẩn bị đón mùa Phật Đản năm nay, năm Phật lịch 2558.

Phát biểu tại buổi lễ, tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết nhà vua Trần Nhân Tông sau 15 năm ở ngôi hoàng đế (1278-1293) đã nhường ngôi cho con trai là vua Trần Anh Tông.

Năm 1299, ngài xuất gia tại hành cung Vũ Lâm, Ninh Bình, sau đó lên Yên Tử tu hành, lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng.

Thiền phái Trúc Lâm thời Trần là một trong những thiền phái nổi bật nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đây là dòng thiền do người Việt sáng lập, mang đậm bản sắc dân tộc.

Ngài là tổ thứ nhất của dòng thiền này, do vậy được đời sau tôn vinh là Phật Hoàng.

Đối với Thừa Thiên-Huế, Phật hoàng Trần Nhân Tông có một mối lương duyên đặc biệt khi gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm đổi lấy hai châu Ô, Lý đã trở về với Đại Việt, thành hai châu Thuận Hóa mà trung tâm là đất Huế ngày nay.

Ghi nhận công lao to lớn ấy, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xây dựng đền thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân ở núi Ngũ Phong, xã Thủy An, thành phố Huế vào ngày 26/3/2007./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục