Gặp Cương trong một chiều muộn cuối cùng của tháng 11 tại nhà riêng, 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội - cũng là một địa điểm Triển lãm nổi tiếng của Hà Nội - Gallery39.
Gallery 39 đang trong thời điểm gấp rút để chuẩn bị khai trương triển lãm mới của Cương “ghép” cùng nữ họa sỹ Hoàng Thị Phương Liên. Tối giản theo đúng phong cách nghệ thuật của Cương, triển lãm có cái tên độc một từ: Ghép.
Trong cái không gian đầy vội vàng, khẩn trương và có phần lộn xộn của thợ sơn tường, nhiếp ảnh, người mẫu... Lê Thiết Cương lững thững đi từ trên gác xuống, một tay nhét vào túi quần trước của chiếc quần jean màu xanh két, chiếc áo khoác nhẹ màu xám hờ hững không che nổi sắc cam nổi bần bật của chiếc áo pull bên trong và nụ cười cởi mở... Anh chẳng hề liếc mắt đến cái sự chuẩn bị ồn ã đang diễn ra mà chỉ xuống tầng 1, ra cửa để đón đám bạn nhậu nhẹt, như thường lệ, đến nhà anh để nói chuyện phiếm, đàm tán về nghệ thuật hay tranh cãi về đủ thứ trên giời dưới biển.
Cứ mỗi lần gặp Cương là cái con người tất bật, hối hả của tôi lại dấy nên nỗi ước ao được “đủng đỉnh” như anh. Cương chẳng bao giờ vội vã, ngay cả khi anh đang có tỷ thứ công việc cần phải giải quyết trong khoảng thời gian rất ngắn. Mọi thứ như được anh đã sắp đặt hoàn hảo, từng chi tiết, cẩn trọng và kỹ lưỡng y như khi anh vẽ. Và Cương chỉ bận rộn cho bạn bè, cho những cuộc đi tìm lại những nét đẹp cổ xưa đang dần mai một…Để rồi, một lúc nào đó những cổ xưa đó hòa vào anh, như một phần của chính anh và đi vào những tác phẩm của Cương với một diện mạo hoàn toàn mới mà vẫn như là xưa cũ… Bởi thế, nên mosaic với sự ít ỏi gam màu và sự huyền ảo đầy ẩn chứa trong những nét rạn của gốm – cái chất liệu xưa cũ, được cấu thành từ đất, tất yếu phải là một phần trong những sáng tạo của Cương.
Vẫn là màu nóng được sắp đặt cạnh nhau tạo nên sự tương phản. Vẫn rất kiệm chi tiết và đầy khoảng trống. Vẫn cách thể hiện tinh tế đến nuột nà của đường nét. Vẫn đúng là phong cách đã định hình từ gần 30 năm nay của Cương- bắt người yêu nghệ thuật tự tìm ra những cung bậc cảm xúc của riêng họ khi đối diện với tác phẩm của anh, “Đồng dao” – Chủ đề mà Cương chọn cho tranh mosaic của mình – vốn ề à, diễn giải mộc mạc đã có một dung nhan mới, đọng sâu và ẩn giấu.
Vẫn tối giản đến cực đoan, nên ngoài “Thả diều” và "Nhà thờ,” được dụng nhiều màu và phảng phất một tinh thần siêu thực của Joan Miro, hầu hết các tác phẩm của Cương đều chỉ có 3 gam màu. Dù đối và gắt như “Đọc sách,”
“Độc thoại”… hay hòa trầm ở: “Nghĩ,”
“Cô gái”… thì tất cả đều có chung một sự mềm mại, nuột nà chạm đến tầng sâu của sự tinh tế. Cảm giác rằng, những nhân vật từ trong bức tranh gốm kia, có thể từ từ đứng lên, bước ra khỏi khung tranh hòa vào cuộc đời thực.
Mosaic của Cương đã được hòa quyện tinh thần của truyền thống với: hồn đất trong gốm, chất văn học của đồng dao, sắc màu của tranh dân gian và hơi thở của nghệ thuật đương đại với sự sắp đặt, bố cục mang đầy tính hình tượng của sân khấu kịch hình thể.
Tôi đặc biệt thích bức “Tự họa,” bức lạ nhất trong cả seri tranh mosaic của Cương về cả chất liệu gốm, cả cách thể hiện, cả gam màu… Theo tôi, “Tự họa” mosaic “đúng” Cương nhất trong mọi tác phẩm tự họa của anh. Một Lê Thiết Cương tưởng như màu mè mà lại rất đơn giản, dù sự đơn giản ấy được ghép bởi vô vàn mảnh nhỏ đa góc cạnh. Một Lê Thiết Cương đầy bí ẩn, kỹ tính đến độ soi mói, ngạo mạn đến phát ngôn bất kể những gì mình muốn bất chấp không gian, đối tượng. Một Lê Thiết Cương kiêu bạc “khó chơi” tưởng như sẽ rất cô độc… thực ra, chỉ là một vài mảnh ghép của con người thật.
Và, để tìm đến được với một Lê Thiết Cương đúng nghĩa, cần phải song hành với anh trong các cuộc “rong chơi” nghệ thuật đầy mê mải và chưa từng ngưng nghỉ của anh../.