Sông Đà còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang, người Thái Tây Bắc gọi là Me Nặm Te, là phụ lưu lớn nhất của Sông Hồng. Đoạn ở Việt Nam dài 527 km, chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ.
Trên sông Đà hiện có 5 nhà máy thủy điện chính với tổng công suất các nhà máy thủy điện trên Sông Đà trên 6.500 MW, cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện và đem lại giá trị sản lượng điện khoảng 1,2-1,3 tỷ USD/năm.
Hiện nay đã có ba nhà máy thủy điện đang sản xuất điện là thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La và thủy điện Bản Chát, hai công trình thủy điện đang xây dựng là thủy điện Lai Châu và Huổi Quảng.
Hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình có mực nước dâng tối đa là 120m, dung tích hồ chứa nước 9 tỷ m3, phục vụ cho 8 tổ máy, công suất thiết kế 1.920 MW. Hồ thủy điện Sơn La có mực nước dâng bình thường là 215m, diện tích mặt hồ là 224 km2 với dung tích toàn bộ hồ chứa 9,26 tỷ m3, phục vụ cho 6 tổ máy phát điện với công suất thiết kế là 2.400 MW.
Nhà máy thủy điện Lai Châu khởi công xây dựng vào ngày 5/1/2011 tại xã Nậm Hàng huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, là bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016).
Người Thái ở Tây Bắc có truyện cổ kể rằng xưa có người khổng lồ tên là Ải Lậc Ngậc đã từng đắp con đập chắn sông Đà để lái dòng sông chảy về phía tây lấy nước về tưới cho ruộng mạ Mường Thanh (cánh đồng Điện Biên bây giờ).
Nhưng cứ mỗi lần Ải Lậc Ngậc đắp đập gần xong lại bị thuồng luồng phá đổ. Đến một hôm, trời nắng nóng đến cực điểm, chàng khổng lồ cởi hết quần áo, quyết bạt núi khuân đá đắp đập chặn dòng.
Sông Đà bắt đầu nghiêng ngả, nước dâng lên ngập khắp vùng. Bất ngờ Chàng khổng lồ bị một con cua đá cắp vào chỗ hiểm trả thù, làm cho chàng phải vội chạy tháo lên bờ. Từ đó công trình đắp đập ngăn dòng sông Đà của người khổng lồ bị bỏ dở.
Người ta còn kể, mấy cái núi đá vôi sừng sững bên sông, nơi “trạn đá bếp,” chỗ Ải Lậc Ngậc “đứng đái,” hang Cua, hang Tôm, hang Rồng, hang “Thẳm Da Neo” đều là dấu tích về người khổng lổ đắp đập.
Đây chỉ là hình tượng trong dân gian, nhưng có lẽ cũng là mơ ước của người xưa ở vùng Tây Bắc muốn chinh phục thiên nhiên, chinh phục sông Đà, xây dựng làng bản no ấm. Và giờ đây những hình ảnh về con sông Đà mùa vơi nước đang ẩn chứa nhiều dấu tích của những câu chuyện xưa./.
Bến Nặm Mạ xưa (thuộc xã Nặm Mạ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), nơi người ta kể rằng có dấu tích của Người Khổng lồ như 'trạn đá bếp,' chỗ Ải Lậc Ngậc 'đứng đái.' (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Cầu Hang Tôm xưa, từng là cây cầu dây văng lớn nhất Đông Dương với biệt danh 'Đông Dương đệ nhất cầu.' Sau gần 40 năm (1973-2012), cầu Hang Tôm cũ đã kết thúc sứ mệnh lịch sử khi cầu Hang Tôm mới hoàn thành vào tháng 11/2012. Công trình này gắn liền với Thủy điện Sơn La hùng vĩ, đồng thời tạo dựng nên một kỳ tích mới của những người thợ cầu trên dòng Đà giang hung dữ. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Bia cổ Cà Nàng (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) nằm dưới cốt nước hồ ngập, đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Sơn La. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Hồi xưa còn bến… gọi đò (bến phà Pá Uôn-Quỳnh Nhai). (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Con nước bên suối Muội xưa, thuộc xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Và bây giờ trên hồ nước suối Muội là những lồng nuôi cá của đồng bào Thái ở xã Chiềng Bằng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Khách đến thăm quan 'trang trại' nuôi cá lồng của ông Lò Văn Khặn ở bản Bung, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Gia đình ông Khặn có 4 khẩu, thu nhập từ tiền bán cá lãi 400 triệu đồng/năm. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Thu hoạch cá. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Đàn vịt (2 tháng tuổi) của gia đình ông Khặn ở Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Ông Lò Văn Khặn (trong ảnh) ngoài chăn nuôi thủy sản còn đầu tư mua xuồng máy, 1 máy ủi, 1 phà kéo để chở máy ủi đến các bản ven hồ nhận thầu khai hoang ruộng bán ngập vùng hồ thủy điện Sơn La. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Chiềng Bằng có 72 ha nuôi trồng thủy sản với 155 lồng cá, tổng sản lượng cá nuôi ước đạt 36 tấn. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Sơn La có lợi thế nuôi trồng thủy sản bởi 2 hồ thủy điện lớn, tuy nhiên còn ít hộ nuôi, chủ yếu bà con đánh bắt tôm cá trên hồ và tiêu thụ tại địa phương do chưa có cơ sở chế biến. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Gánh thức ăn cho cá. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Bên hồ kỳ ảo lạ lùng. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Thuyền ghe xa bến về đâu nhỉ, chở nặng mưu sinh những phận đời. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Bản tái định cư bên hồ sông Đà. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Sửa chữa phương tiện đánh bắt thủy sản trên hồ Sông Đà. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Đánh bắt tôm trên hồ thủy điện Sơn La là nguồn sống của nhiều hộ dân ở tỉnh miền núi Sơn La. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Một nhánh hồ Hòa Bình mùa nước rút (tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Lão nông bươn trải bên rặng vó/Thèm một dòng sông, những cánh buồm... (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Vùng bán ngập ven hồ thủy điện Hòa Bình, thuộc địa phận tỉnh Sơn La mùa nước cạn. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Tranh thủ cấy ruộng vùng bán ngập hồ thủy điện Hòa Bình. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Ruộng bán ngập tại huyện Quỳnh Nhai. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+) Khách du lịch đến với vùng hồ thủy điện Sơn La ngày càng nhiều. (Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+)