LHQ đánh giá di cư là "động lực mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế"

Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế về người di cư (18/12), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng di cư đang là "động lực mạnh mẽ" cho sự tăng trưởng kinh tế.
LHQ đánh giá di cư là "động lực mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" ảnh 1Người di cư Trung Mỹ chờ xin tị nạn vào Mỹ tại Ciudad Juarez, biên giới Mỹ-Mexico ngày 3/12/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 18/12 cho rằng di cư đang là "động lực mạnh mẽ" cho sự tăng trưởng kinh tế.

Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế về người di cư (18/12), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh: "Việc di cư cho phép hàng triệu người tìm kiếm những cơ hội mới, theo đó tạo thuận lợi cho cả các cộng đồng nơi họ xuất phát cũng như cộng đồng mà họ chọn làm điểm đến." Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng "nếu quản lý kém, việc di cư có thể làm gia tăng sự chia rẽ trong xã hội và giữa các cộng đồng, khiến mọi người bị bóc lột, lạm dụng và xói mòn niềm tin vào chính phủ."

[Đại hội đồng LHQ thông qua Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn]

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, "trong tháng này, thế giới đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc thông qua Hiệp ước Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM, gọi tắt là Hiệp ước toàn cầu về di cư) - thỏa thuận toàn cầu đầu tiên của Liên hợp quốc về cách tiếp cận chung đối với di cư quốc tế.

Ông nhấn mạnh: "Với sự ủng hộ của các thành viên Liên hợp quốc, thỏa thuận này sẽ giúp chúng tôi tiếp cận những thách thức thực sự của vấn đề di cư, trong khi vẫn thu được nhiều lợi ích." Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, "thỏa thuận này đã chỉ ra con đường hướng tới nhiều cơ hội pháp lý hơn cho việc di cư và hành động mạnh mẽ hơn để trấn áp nạn buôn người." 

GCM đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thuộc Liên hợp quốc, trong năm 2018 đã có gần 3.400 người thiệt mạng trên thế giới khi đang di cư.

Trong lời kêu gọi tôn trọng những người buộc phải rời bỏ nhà cửa, Tổng Giám đốc IOM Antonio Vitorino cho biết đây là thời điểm để "tôn trọng và lắng nghe" những người đang sợ hãi "về những thay đổi mà di cư sẽ mang đến cho cuộc sống của họ."

Trước đó, vào ngày 19/9/2016, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã thông qua một loạt cam kết trong Tuyên bố New York về người di cư và người tị nạn, trong đó khẳng định sự cam kết của các nước thành viên về tăng cường các cơ chế bảo vệ người dân theo hiệp ước toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.