Ngày 25/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cảnh báo sẵn sàng "hành động ngay lập tức" nếu Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir không ký thỏa thuận hòa bình với phe đối lập nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 20 tháng qua tại quốc gia châu Phi này.
Đại sứ Nigeria tại Liên hợp quốc Joy Ogwu cho biết trong cuộc họp về cuộc khủng hoảng ở Nam Sudan, các thành viên Hội đồng Bảo an đã "thể hiện sự sẵn sàng hành động ngay lập tức" trong trường hợp Tổng thống Kiir không ký thỏa thuận hòa bình vào ngày 26/8 như cam kết.
Cùng ngày, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Nam Sudan Ellen Margrethe Loej nhận định thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ Nam Sudan và phe đối lập, nếu được ký kết, chỉ là "bước khởi đầu" để kết thúc cuộc nội chiến ở nước này.
Bà Loej nhấn mạnh văn kiện này có thể coi là "bước tiến tích cực và đầy hy vọng" song vẫn còn nhiều khó khăn phía trước trong việc thực thi, đồng thời khẳng định Nam Sudan khó có thể đạt được hòa bình và ổn định trong "một sớm một chiều."
Các phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh các bên tại Nam Sudan vẫn chưa thể ký kết thỏa thuận hòa bình bất chấp sự hối thúc và đe dọa trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.
Ngày 17/8, thủ lĩnh phiến quân Riek Machar đã ký thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 20 tháng qua tại Nam Sudan, nhưng Tổng thống Salva Kiir chỉ ký tắt một phần của thỏa thuận và cho biết sẽ quay trở lại bàn đàm phán vào đầu tháng 9 tới để hoàn tất văn kiện.
Phản ứng trước động thái này, Mỹ đã trình lên Hội đồng Bảo an một dự thảo nghị quyết đề xuất cấm vận vũ khí và các biện pháp trừng phạt khác nhằm vào Nam Sudan, nếu Tổng thống Salva Kiir từ chối ký thỏa thuận trước thời hạn chót ngày 1/9.
Dự kiến, Hội đồng Bảo an sẽ tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết trên trước ngày 1/9 tới.
Xung đột ở Nam Sudan bùng phát hồi tháng 12/2013, khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc Phó Tổng thống khi đó là ông Riek Machar âm mưu đảo chính.
Các cuộc tấn công giữa hai bên cùng những vụ xung đột sắc tộc đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người ở nước này.
Liên hợp quốc cho biết hiện có tới 70% dân số 12 triệu người của Nam Sudan cần viện trợ, trong khi 2,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Qua nhiều vòng đàm phán, các bên ở Nam Sudan từng đạt được ít nhất 7 thỏa thuận ngừng bắn, song tất cả đều bị phá vỡ ngay sau khi có hiệu lực./.