Liên hoan ca trù toàn quốc 2018 sẽ diễn ra từ ngày 1-5/11 tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh Hà Tĩnh (số 21 Phan Đình Phùng, thành phố Hà Tĩnh).
Một trong những điểm khác của chương trình lần này so với những kỳ liên hoan trước là chỉ có các đào nương, kép đàn mới (thế hệ nghệ nhân kế cận) tham dự.
Vắng bóng nghệ nhân
“Chương trình hoàn toàn vắng bóng nghệ nhân cao tuổi. Sau gần 10 năm ca trù được được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, nghệ nhân cao tuổi (có tên trong hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO) không còn nhiều. Hiện nay, cả nước chỉ còn khoảng ba, bốn nghệ nhân nhưng họ đã ở ngưỡng tuổi 90, không thể hát và tham gia liên hoan được nữa,” nhạc sỹ Đặng Hoành Loan - Tổng đạo diễn Liên hoan ca trù toàn quốc cho hay.
Mỗi chương trình tham gia liên hoan có thời lượng từ 45-90 phút; trong đó, các đơn vị, câu lạc bộ tham gia phải trình bày được tối thiểu 3/15 thể cách quy định bắt buộc của ban tổ chức và một tác phẩm của Nguyễn Công Trứ.
[Photo: Điểm mặt các di sản ở Việt Nam được UNESCO vinh danh]
Chương trình được tổ chức nhằm tổng kết quá trình phục hưng ca trù, đánh giá sức sống của di sản này trong đời sống đương đại. “Đây là dịp để soát xét lại việc thực hành ca trù, kiểm đếm xem các đào nương thuộc thế hệ kế cận đã hát được bao nhiêu thể cách trong số 34 thể cách của ca trù,” nhạc sỹ Đặng Hoành Loan cho biết.
Kết quả của liên hoan là một trong những cơ sở dữ liệu để hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO chuyển ca trù từ Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của thế giới.
Trung tâm lớn cũng... vắng bóng
Liên hoan ca trù toàn quốc 2018 có sự tham gia của các đơn vị, câu lạc bộ ca trù của 13 tỉnh, thành phố có di sản này (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thành phố Hồ Chí Minh) với 88 tiết mục.
“Việc không có đơn vị, câu lạc bộ ca trù nào của hai tỉnh Vĩnh Phúc và Nam Định tham gia liên hoan là một điều rất đáng buồn bởi đây là hai trung tâm lớn của di sản ca trù,” nhạc sỹ Đặng Hoành Loan bày tỏ quan điểm.
Theo nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, những địa phương nói trên cam kết tham gia chương trình hành động quốc gia bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù, nhiều nghệ nhân trong hồ sơ quốc gia đều thuộc những địa phương này. "Liên hoan cũng là dịp kiểm kê di sản. Bởi vậy, việc tham gia các kỳ liên hoan toàn quốc là trách nhiệm của địa phương trong việc thực hành di sản. Đây không thể là việc thích thì làm, không thích thì thôi.”
Trao đổi với báo chí sáng nay (24/10), bà Phạm Minh Hương - Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết, ban tổ chức đã gửi thông báo, hướng dẫn cụ thể về các địa phương, gia hạn thời gian đăng ký tham gia liên hoan (so với dự kiến ban đầu).
“Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình, tạo điều kiện để các đơn vị, câu lạc bộ ca trù tham dự liên hoan toàn quốc. Tuy nhiên, sau cùng, chúng tôi nhận được văn bản trả lời của hai địa phương (Vĩnh Phúc, Nam Định) là không tham gia liên hoan, trong đó không nêu rõ lý do,” bà Phạm Minh Hương nói.
Liên hoan ca trù do Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Cục Di sản Văn hóa, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh tổ chức./.
Ca trù (hay còn gọi là hát ả đào) gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Loại hình nghệ thuật này rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 trở về trước.
Tháng 10/2009, ca trù đã chính thức được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào “Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.”