Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế 2023 'nóng' với AI, bảo tồn di sản bằng công nghệ

Đối phó, chế ngự trí tuệ nhân tạo (AI) để công nghệ thực sự là công cụ hữu ích của con người chứ không phải ngược lại, đây là một trong những điểm đáng chú ý nhất tại chương trình liên hoan năm nay.

Sau một tuần diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam (VFCD) năm 2023 chính thức được khai mạc ở Hà Nội tối ngày 1/12. Chương trình sẽ kéo dài đến hết ngày 7/12 tại Bảo tàng Phụ nữ (quận Hoàn Kiếm), đề cập nhiều vấn đề nóng xoay quanh trí tuệ thông minh, phát huy di sản trong lĩnh vực sáng tạo và thiết kế hiện nay.

VFCD do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) cùng các đối tác trong lĩnh vực sáng tạo đồng tổ chức. Chương trình được tổ chức thường niên kể từ 2018.

Với chủ đề “Trí tuệ và Công nghệ,” VFCD năm nay gây chú ý với nhiều hội thảo, triển lãm bàn luận về giá trị thực sự của con người trước trí tuệ nhân tạo AI. Một số có thể kể tới Hội thảo “Di sản tương lai: Trí tuệ sáng tạo và Tác động tới ‘di sản tương lai’ tại Việt Nam”; Đối thoại “Khi kỹ sư công nghệ làm việc với nghệ sỹ #2: Vận dụng các công nghệ về dữ liệu và Hệ thống thông minh trong nghệ thuật”; Triển lãm "Trí tuệ và Công nghệ"

lich-vfcd-1-2554.png
lich-vfcd-2-948.png
Lịch sự kiện 7 ngày tại Hà Nội (Chạm từng hình để xem kích thước lớn)

Một điểm nhấn khác là bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa Việt Nam thông qua công nghệ thực tế ảo, công nghệ dữ liệu…

Trước bối cảnh công nghệ phát triển vũ bão, con người đứng trước nhiều câu hỏi lớn: Làm thế nào để khai thác tiềm năng, công cụ công nghệ để nâng cao khả năng sáng tạo và năng suất của con người? Có cách nào để đối phó với những rủi ro và bất ổn từ chúng? Làm sao để cân bằng?

Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế RMIT Việt Nam và trưởng ban tổ chức liên hoan khẳng định công nghệ là động lực cho sự đổi mới và chuyển đổi nhưng cũng là nguồn gốc của những thách thức và tình huống khó xử. Chính vì vậy những hoạt động tại Liên hoan năm nay hứa hẹn giải quyết những vấn đề này từ góc nhìn của người có chuyên môn.

400487196-884566390337785-6007071626230937317-n-3855.jpg
Bà Julia Gaimster. (Ảnh: VFCD)

Những hoạt động thảo luận mở không chỉ là cơ hội tập hợp các nguồn lực trong xã hội, mà còn tác động lên các nhóm bằng nhận thức mới mẻ, phù hợp về ứng dụng AI, công nghệ mới, trong đó có cả các nhà tuyển dụng, chủ doanh nghiệp với quan điểm cho rằng AI là phương án mới, bền vững và tiết kiệm.

Thuộc mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã tạo điểm nhấn ở lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

Nổi bật từ 17-28/11 vừa qua là Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023 (Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và một số đơn vị khác thực hiện) với những tiếp cận về bảo vệ, phát huy giá trị di sản công nghiệp trong vùng đô thị Hà Nội.

Với vai trò “anh cả” đi đầu, Hà Nội được kỳ vọng sẽ tích lũy ngày càng nhiều kinh nghiệm, bài học cho Hội An và Đà Lạt - hai cái tên Việt Nam khác vừa gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO lần lượt ở hai lĩnh vực: Thủ công-nghệ thuật dân gian và âm nhạc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục