- Được biết, Ban tổ chức quy định các vở diễn tham gia liên hoan lần này buộc phải là các vởtuồng truyền thống (tuồng cổ) đã được các đơn vị dàn dựng, lưu giữ, bảotồn. Như vậy, có làm hạn chế sức trẻ không thưa ông? Vì chữ "truyền thống" thường đưa đến hình dung về các vở diễn quy tụ nghệ sĩ cao tuổi...NSƯT Vương Duy Biên: Đúng với tên gọi là Liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống, chúng tôi chỉ chấp nhận các vở tuồng cổ được dàn dựng, bảo lưu từ năm 2008 trở về trước và chưa tham dự Liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống năm 2008. Ban tổ chức sẽ không chấp nhận các vở tuồng diễn về đề tài lịch sử, dã sử, dân gian hiện đại. Cũng không cần lo đó là vở diễn của các nghệ sĩ cao niên vì thể lệ liên hoan quy định rõ: tuổi đời các nghệ sĩ biểu diễn đóng vai chính, thứ chính không được quá 40. Và, đặc biệt, Ban giám khảo chỉ chấm các vai diễn để trao huy chương. Liên hoan sẽ không trao giải cho tác giả và đạo diễn. Chúng tôi hiểu rõ rằng để nghệ thuật tuồng không mai một chính là nhờ công lớn của các diễn viên có thanh sắc và nhiệt huyết với nghề, nên diễn viên chính là người cần được vinh danh. Những quy định cũng nhằm truyền bá nghệ thuật tuồng. - Như ông vừa nói, cần phổ biến nghệ thuật tuồng truyền thống và ai cũng biết Bình Định là "nôi tuồng" vậy việc tổ chức Liên hoan nghệ thuật tuồng toàn quốc tại tỉnh Bình Định thì có vẻ như ít quảng bá được hơn tổ chức ở một địa phương khác. Vì ai đó cho rằng, người dân Bình Định yêu tuồng sẵn rồi?
NSƯT Vương Duy Biên: Ý kiến đó cũng có khía cạnh đúng nhưng xin bạn hãy lưu tâm rằng nghệ thuật gì cũng cần diễn ở nơi có nhiều người hưởng ứng. Tổ chức một liên hoan thì việc thành công trước tiên chính là thu hút được khán giả. Hãy tưởng tượng các nghệ sĩ đang diễn mà nhìn xuống thấy đông đảo người xem thì diễn sẽ thăng hoa. Không thể có thành công cao nhất khi người xem rất thưa thớt. Tôi xin so sánh với một trận bóng đá. Cầu thủ sẽ đá khác hẳn nếu trên sân có người hâm mộ cổ vũ. Liên hoan tuồng ở Bình Định là đem cái khán giả thích cho họ, đem khán giả lý tưởng cho tuồng. Ngoài ra, còn gì hay hơn khi tổ chức liên hoan nghệ thuật truyền thống ở chính cái nôi của nó, chính nơi tôn thờ Tổ nghề. Tôi nghĩ về sau tuồng Bình Định sẽ dần thành "thương hiệu" cho quảng bá văn hóa, giới thiệu du lịch của tỉnh này. Tương tự, tôi nghĩ sau này, Liên hoan Nghệ thuật chèo truyền thống cũng nên tổ chức ở Thái Bình. - Thưa ông, trên tinh thần cổ vũ nghệ thuật truyền thống liệu tình trạng "mưa huy chương" để động viên văn nghệ truyền thống sau khi Liên hoan kết thúc không?NSƯT Vương Duy Biên: Không đâu. Cơ cấu giải thưởng gồm: huy chương vàng, bạc và bằng khen với số lượng đặt ra không qua 35% tổng số diễn viên tham dự diễn vai chính, thứ tại liên hoan. Tuy nhiên nên hiểu đây thực sự là ngày hội của các nghệ sĩ tuồng. Việc nhận giải không phải là mục đích duy nhất. - Ông có thể tiết lộ về Ban Giám khảo?NSƯT Vương Duy Biên: Tôi chưa thể tiết lộ các thành viên Ban giám khảo tại Liên hoan tuồng truyềnthống toàn quốc lần này, nhưng xin khẳng định, đó sẽ lànhững người có tài năng, uy tín và kinh nghiệm về chuyên môn tronglĩnh vực tuồng cổ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Liên hoan Nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc có bảy đơn vị tham gia với chín vở diễn. Hai đơn vị “gạo cội” là Nhà hát Tuồng Việt Nam và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đăng ký tham dự mỗi đơn vị hai tiết mục. Nhà hát Tuồng Việt Nam có “Sơn Hậu” và “Thất Hiền Quyến,” trong khi Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dàn dựng “Đào Phi Phụng” và “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu.” Nhà hát Tuồng Đào Tấn sẽ tham dự Liên hoan với tiết mục “Đào Tam Xuân loạn trào”. Liên hoan còn có sự tham dự của các nhà hát truyền thống và các đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Sau liên hoan sẽ có cuộc hội thảo nhằm tìm hướng phát triển thích hợp cho nghệ thuật tuồng trong thời kỳ hội nhập. |