Ngày 4/2, Liên minh châu Âu (EU) đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của Khu vực đồng euro (Eurozone) trong năm nay từ 1,8% xuống 1,7%, đồng thời cảnh báo về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu.
Phó Chủ tịch EU, Valdis Dombrovskis, nhận định tốc độ tăng trưởng "khiêm tốn" của châu Âu đang đối mặt với nhiều trận gió ngược, từ tốc độ tăng trưởng chậm lại của nhiều nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc cho tới hoạt động trao đổi thương mại yếu đi và căng thẳng địa chính trị giữa các nước láng giềng tại châu Âu.
Bên cạnh đó, kinh tế "lục địa già" cũng bị đè nặng bởi cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Thế chiến thứ II. EU nhấn mạnh cuộc khủng hoảng này có thể đặt ra những thách thức chính trị lớn cho các nước trong khối và dễ dàng hạ thấp tăng trưởng kinh tế nếu không được giải quyết.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), giá dầu thấp và đồng euro yếu là những yếu tố tích cực, song vẫn không đủ để giữ vững đà tăng trưởng cho châu Âu. Thậm chí, sự lao dốc của giá dầu có thể khiến người mua tỏ ra chần chừ chưa muốn mua vào hàng hóa với kỳ vọng giá sẽ còn giảm nữa. Tình trạng này có thể đẩy Eurozone rơi vào vòng xoáy giảm phát.
EC cho biết tỷ lệ lạm phát trong năm 2015 là 0%. Cơ quan này đã hạ ước tính về tỷ lệ lạm phát trong năm 2016 từ 1% xuống 0,5% và con số này sẽ tăng lên 1,5% trong năm 2017.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đặt mục tiêu đẩy lạm phát lên khoảng 2% và tung ra chương trình mua trái phiếu trị giá hơn 1.000 tỷ euro, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đến nay, tính hiệu quả của các biện pháp này vẫn ở mức tổi thiểu và Chủ tịch ECB, Mario Draghi, cho biết ông đang xem xét hành động mạnh mẽ hơn nếu các số liệu kinh tế không được cải thiện./.