Nhiều yếu tố bên ngoài ảnh hưởng tới tăng trưởng châu Âu

Theo dự đoán của Ủy ban châu Âu (EC), tăng trưởng của EU sẽ ở mức 1,9% trong năm nay và khoảng 2% trong năm 2017.
Nhiều yếu tố bên ngoài ảnh hưởng tới tăng trưởng châu Âu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: channel4.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong dự thảo tăng trưởng kinh tế mùa Đông công bố hôm 4/2, Ủy ban châu Âu (EC) hy vọng một sự phục hồi chung về kinh tế cho tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) từ nay đến năm 2017.

Tuy nhiên, một số yếu tố bên ngoài như giảm tăng trưởng ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng của châu Âu.

Theo dự đoán của EC, tăng trưởng của EU sẽ ở mức 1,9% trong năm nay và khoảng 2% trong năm 2017.

Trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mức tăng trưởng dự kiến khoảng 1,7% trong năm nay và 1,9% trong năm kế tiếp. Thêm vào đó, một số yếu tố bên ngoài có lợi cho tăng trưởng, sẽ mạnh mẽ và bền vững hơn so với dự kiến.

Đó là giá dầu thấp, tỷ giá đồng euro và điều kiện tài chính thuận lợi. Tuy nhiên, một số yếu tố khác có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho tăng trưởng như tăng trưởng chậm ở Trung Quốc và một số nền kinh tế thị trường mới nổi, sự mất ổn định về địa chính trị, đặc biệt tình hình ở biên giới EU.

Dự thảo tăng trưởng kinh tế nhận định tăng trưởng việc làm ở EU chỉ ở mức khiêm tốn. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm nhưng chậm hơn năm ngoái.

Trong Eurozone, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm từ 11% năm ngoái xuống 10,5% năm 2016 và 10,2% năm tới.

Theo Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici, kinh tế EU cũng sẽ dễ dàng vượt qua nhiều thách thức mới vào mùa Đông này, do giá dầu rẻ, tỷ giá đồng euro và lãi suất thấp. Tuy nhiên, tình trạng xuống cấp của môi trường toàn cầu cũng có thể ảnh hưởng xấu tới kinh tế châu Âu.

Ngoài ra, EC cũng cảnh báo về nguy cơ khu vực Schengen bị hủy bỏ do cuộc khủng hoảng nhập cư và điều này sẽ là bước cản lớn gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế EU.

Bên cạnh đó, EC cũng nhấn mạnh đến nguy cơ kinh tế do làn sóng người nhập cư đổ vào châu Âu và cho rằng số lượng người nhập cư gia tăng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lòng tin kinh tế và khiến chi tiêu tiêu dùng chậm lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.