Liên minh châu Âu (EU) đã công bố lập trường của mình trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) vào tháng tới, trong khi vẫn để ngỏ một vấn đề quan trọng là bằng cách nào có thể tăng cường tài trợ cho các nước nghèo hơn trong cuộc chiến đẩy lùi tình trạng nóng lên trên toàn cầu.
Hội nghị diễn ra tại Baku (Azerbaijan) có một mục tiêu rõ ràng là đưa số tiền tài trợ cho hành động khí hậu từ hàng tỷ USD lên thành hàng nghìn tỷ USD đồng thời giúp các nước bắt tay vào quá trình chuyển đổi các tài sản, hoạt động và mô hình hoạt động hướng tới trung hòa khí thải và đối phó với thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Tuy nhiên, nhiều nước EU với thâm hụt ngân sách ngày càng nghiêm trọng đang nỗ lực gây áp lực buộc các nước khác như Trung Quốc phải chia sẻ gánh nặng.
Theo kết luận từ Hội đồng châu Âu, các nước EU đã nhất trí rằng việc mở rộng cơ sở tài trợ của các quốc gia là điều kiện tiên quyết cho mục tiêu tài trợ khí hậu mới đầy tham vọng sau năm 2025.
Lập trường này phản ánh sự lớn mạnh về năng lực kinh tế tương ứng và tỷ lệ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu ngày càng tăng kể từ đầu những năm 1990.
Tình hình tài chính thắt chặt khiến các cuộc đàm phán vào tháng tới sẽ khó khăn. Ở châu Âu, ngân sách đang bị siết chặt. Ở Mỹ, chưa chắc chắn về kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống ngày 5/11, chỉ vài ngày trước khi diễn ra COP29.
Các nước phát triển đã đạt được mục tiêu tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm muộn hai năm và giờ đây dự kiến phải chi nhiều hơn nữa.
Pháp nằm trong số các quốc gia sẽ không có nhiều ngân sách dành cho tài chính khí hậu bên ngoài biên giới của mình.
Fitch Ratings đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của nước này xuống mức tiêu cực vào tuần trước, một ngày sau khi chính phủ trình bày ngân sách năm 2025. Cơ quan này dự báo nợ công của Pháp sẽ tăng mạnh trong vài năm tới.
Mức hỗ trợ của Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, cho các dự án xanh ở nước ngoài vào năm ngoái giảm xuống còn 5,7 tỷ euro (6,2 tỷ USD0, thấp hơn mức 6 tỷ euro mà Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết nước này sẽ chi trả hàng năm kể từ năm 2025.
Nguyên nhân là do việc cắt giảm 12% ngân sách cho Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
EU sẽ sẵn sàng thực hiện các cam kết đóng góp tài chính vào năm ngoái trước khi diễn ra COP29 từ ngày 11-22/11.
Trong các cuộc đàm phán ngày 14/10, các bộ trưởng môi trường chủ yếu tập trung vào vai trò của năng lượng hạt nhân và những điểm nhấn cần đặt vào kế hoạch cắt giảm 90% lượng khí thải vào năm 2040 của khối, dự kiến sẽ chính thức được đưa ra vào năm tới./.
Hội nghị trù bị COP29: Tăng hợp tác quốc tế hướng tới mục tiêu khí hậu toàn cầu
Hội nghị đã thảo luận và thúc đẩy những vấn đề then chốt như các biện pháp thích ứng và những chiến lược hỗ trợ cộng đồng chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu trước khi COP29 diễn ra vào tháng 11.