Ủy ban châu Âu (EC) đang đẩy mạnh nỗ lực giám sát đối với thị trường tài chính khu vực sau vụ ngân hàng Silicon Valley (SVB) của Mỹ phá sản.
Ngày 13/3, một người phát ngôn EC cho biết: "Chúng tôi lưu tâm đến phản ứng nhanh chóng và quyết đoán của giới chức Mỹ."
Người phát ngôn trên cho rằng sự hiện diện của SVB tại khu vực châu Âu khá hạn chế, song các nhà chức trách vẫn đảm bảo giám sát chặt chẽ đối với mọi diễn biến tài chính trong khu vực.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti cho rằng Liên minh châu Âu (EU) nên nhanh chóng có động thái phù hợp để bảo vệ các ngân hàng trong trường hợp cần thiết, đồng thời cho biết nước này cũng đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường sau vụ phá sản của SVB.
Theo hãng tin Bloomberg ngày 13/3, giới chuyên gia nhận định việc SVB sụp đổ không gây tác động lớn đối với các ngân hàng EU, trong đó nhấn mạnh khả năng thanh khoản lớn và đa dạng của các ngân hàng này. Tuy nhiên, sự cố vẫn ảnh hưởng tâm lý nhiều nhà đầu tư, khiến thị trường chứng khoán của EU lẫn châu Á "lao dốc" trong phiên giao dịch cùng ngày.
Ngày 13/3, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho đưa ra nhận định rằng tác động của vụ SVB phá sản sẽ không lan rộng trên thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, ông cảnh báo nền kinh tế thế giới vẫn đang tồn tại nhiều bất ổn, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ.
Theo Bộ trưởng Choo Kyung-ho, việc SVB phá sản cuối tuần qua đã đẩy những biến động và bất ổn trên thị trường tài chính trong và ngoài nước ngày càng leo thang.
[Các nhà đầu tư đồng loạt hạ thấp kỳ vọng về lãi suất toàn cầu]
Ông Choo Kyung-ho cho hay các chuyên gia tài chính đánh giá vụ việc sẽ không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong khi các cơ quan tài chính Mỹ cũng đang nỗ lực bảo vệ những người gửi tiền.
Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng những bất ổn vẫn sẽ tồn tại trong nền kinh tế thế giới do ảnh hưởng của các động thái thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, đồng thời cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ bổ sung để giúp các nhà xuất khẩu.
Bộ Tài chính Hàn Quốc đã tiến hành cuộc họp khẩn với các nhà chức trách để đánh giá ảnh hưởng của vụ SVB phá sản đối với các nhà xuất khẩu và thảo luận các cách giảm thiểu tác động. Bộ cho biết chính phủ sẽ tăng cường giám sát các diễn biến liên quan và lên kế hoạch hợp tác với các công ty tư nhân để đưa ra cơ chế phản hồi, mặc dù vụ việc không ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu.
Vụ việc xảy ra vào thời điểm Hàn Quốc đang nỗ lực củng cố động cơ tăng trưởng quan trọng là xuất khẩu, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái.
Ngày 10/3 vừa qua, Silicon Valley Bank (SVB) - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ, đã tuyên bố phá sản. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Mới đây nhất, SVB Financial Group cho biết công ty này đang lên kế hoạch cho giải pháp thay thế chiến lược hoạt động kinh doanh đối với cả công ty chủ quản, cũng như SVB Capital và SVB Securities.
Hội đồng quản trị SVB đã chỉ định thành lập một ủy ban tái cơ cấu với thành viên là 5 giám đốc chi nhánh./.