Theo bài phân tích đăng trên tờ The Business Times số ra gần đây, trước khi xảy ra dịch viêm đường hô hấp COVID-19, khu vực Đông Nam Á đã đạt được những thành tựu to lớn và được dự báo là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.
Điều không may là dịch COVID-19 đã dẫn đến sự tàn phá kinh tế ở các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gây ra thách thức lớn nhất kể từ khi tổ chức khu vực này được thành lập.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu tích cực cho thấy kinh tế ASEAN có thể phục hồi trong năm 2021. Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN đã được các nước trong hiệp hội xây dựng để xác định rõ chiến lược phục hồi của Đông Nam Á sau dịch bệnh, trong đó có nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng y tế, đạt được sự hội nhập và cộng tác lớn hơn về thương mại trên toàn khu vực.
Trong Hội nghị hẹp các Ngoại trưởng ASEAN diễn ra hồi đầu năm, các nhà ngoại giao đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự củng cố và hội nhập kinh tế. các bộ trưởng cũng tái khẳng định cam kết cùng nhau chống lại dịch bệnh.
Các chính phủ ASEAN gần đây đã triển khai việc tiêm vaccine phòng COVID-19 với hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng và ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tất cả các quốc gia ASEAN cũng tham gia Hoạt động trực tiếp cơ chế một cửa ASEAN, nơi các dòng thương mại và hàng hóa có thể được đẩy nhanh khi thông tin về thương mại được số hóa và chuyển cho tất cả các nước.
[ASEAN thông qua 13 ưu tiên của Brunei về hợp tác kinh tế]
Sáu nước như Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã bắt đầu thực hiện Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN. Hệ thống này sẽ giúp thúc đẩy vận chuyển hàng hóa thông suốt trong khu vực. Với hệ thống trực tuyến này, việc vận chuyển hàng hóa trên khắp các quốc gia Đông Nam Á có thể được giám sát và tiết kiệm chi phí hơn.
Các chính phủ ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục đóng vai trò giảm nhẹ tác động kinh tế của dịch bệnh bằng việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và doanh nghiệp. Ví dụ, Chính phủ Thái Lan đưa ra gói kích thích trị giá 7 tỷ USD để giúp đỡ các cá nhân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt tin rằng tầng lớp trung lưu đang gia tăng và nền kinh tế số hóa đang phát triển nhanh chóng của ASEAN sẽ đặt nền tảng cho các nền kinh tế khu vực nhanh chóng phục hồi từ dịch bệnh.
Philippines là nước có truyền thống dùng tiền mặt. Tuy nhiên, khi dịch bệnh dẫn đến hạn chế về di chuyển, người dân đã bắt đầu sử dụng phương thức thanh toán phi truyền thống nhiều hơn. Ví dụ, việc sử dụng ứng dụng thanh toán qua điện thoại di động Globe’s GCash tại nước này đã tăng 150%. Sự tiện lợi của các phương tiện thanh toán số sẽ góp phần thúc đẩy chi tiêu trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế và tăng trưởng.
Trong 6 tháng cuối năm 2020, hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở Indonesia đã thực hiện số hóa theo sáng kiến "Bangga Buatan Indonesia." Nền kinh tế số của Indonesia dự kiến tạo ra 150 tỷ USD vào năm 2025.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN sẽ tăng 5,2% trong năm 2021. Tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á năm 2021 sẽ phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN.
Hầu hết các quốc gia ASEAN đều là các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, xuất khẩu lượng lớn hàng chế tạo sản xuất sang nước này. Tháng 1/2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp gỡ Tổng thư ký ASEAN nhằm tìm cách tăng cường quan hệ Trung Quốc-ASEAN.
Trong giai đoạn dịch bệnh, Trung Quốc đã liên tục hỗ trợ các nước Đông Nam Á bằng việc tài trợ các trang thiết bị y tế và trao đổi thông tin y tế. Bắc Kinh cũng đã cam kết cộng tác chặt chẽ với ASEAN về hợp tác kinh tế. Gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cam kết khoản vay trị giá 1,34 tỷ USD dành cho các chương trình cơ sở hạ tầng ở Philippines.
Tháng 1/2021, Brunei trở thành Chủ tịch ASEAN năm 2021. Đây là lần thứ năm Brunei đảm nhận cương vị này. Tuy nhiên, vai trò chủ tịch năm nay của Brunei chắc chắn sẽ thách thức hơn rất nhiều so với những lần trước.
Sự lãnh đạo mạnh mẽ của Brunei sẽ có ý nghĩa sống còn để ASEAN cùng nhau làm việc, thúc đẩy thương mại và chống lại dịch bệnh. Khu vực này được kỳ vọng sẽ cải thiện quan hệ trong nội khối và với các đối tác bên ngoài trong năm 2021.
Hợp tác về thương mại đã đạt được tiến triển tích cực trong năm 2020, với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là thỏa thuận quan trọng nhất.
Trong một năm có ý nghĩa chủ chốt đối với ASEAN và thế giới, Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah thừa nhận rằng phục hồi từ dịch bệnh sẽ là một trong những chương trình nghị sự chính của Brunei. Quốc gia Đông Nam Á này cũng sẽ giúp ASEAN tận dụng các cơ hội kinh tế mà RCEP mang lại.
ASEAN đã cùng nhau vượt qua rất nhiều thách thức trong quá khứ, từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đến hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Chắc chắn khu vực Đông Nam Á sẽ vượt qua được thử thách này và đạt được sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, sau khi dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát./.