Lĩnh vực nhà hàng dẫn đầu về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam

Từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã cấp phép cho gần 140 thương nhân và 150 thương hiệu/nhãn hiệu nước ngoài vào thị trường nội địa, trong đó lĩnh vực nhà hàng chiếm 43,7%.
Lĩnh vực nhà hàng dẫn đầu về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam ảnh 1Quang cảnh cuộc hội thảo. (Ảnh: Mỹ Phương/Vietnam+)

Từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã cấp phép cho gần 140 thương nhân và 150 thương hiệu/nhãn hiệu nước ngoài vào thị trường nội địa.

Đây là thông tin được Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Viện nghiên cứu Thương mại, cho biết tại hội thảo "Giới thiệu hoạt động kinh doanh nhượng quyền và các thương hiệu nhượng quyền của Hàn Quốc," tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 3/12.

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, hiện nay, các ngành nghề dẫn đầu về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam là lĩnh vực nhà hàng chiếm tỷ trọng 43,7%, với 42 thương hiệu như thức ăn nhanh, bánh, càphê, đồ uống...

Tiếp theo có thể kể đến các lĩnh vực thời trang, giáo dục đào tạo, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ...

Mặt khác, nhận định về tiềm năng phát triển lĩnh vực nhượng quyền thương mại tại thị trường Việt Nam, các chuyên gia cho rằng: Việt Nam là nước có dân số đông và trẻ, thu nhập của nhóm trung lưu ngày càng tăng và có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm mới.

Vì vậy, trong thời gian tới, thị trường Việt Nam rất tiềm năng và nhiều cơ hội cho nhượng quyền trong các lĩnh vực ăn uống, nhà hàng; đồng thời có điều kiện thuận lợi cho những lĩnh vực khác phát triển nhượng quyền thương mại.

Ông Park Sang Hyup, Trưởng Văn phòng Thương vụ Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc (Kotra) tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các tổ chức xúc tiến bắt đầu đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ những thương hiệu Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội nhượng quyền thương hiệu vào thị trường Việt Nam từ năm 2013.

Đồng thời, với việc tích cực thúc đẩy nhượng quyền thương mại, Hàn Quốc còn hướng đến quảng bá, phát triển văn hoá ẩm thực Hàn Quốc đến nhiều nước.

Hiện nay, "làn sóng Hàn Quốc" tại nhiều quốc gia không chỉ mang tính hình thức mà đã trở thành hiện thực, đặc biệt là trong lĩnh vực ăn uống, làm đẹp...

Đơn cử, tại thị trường Việt Nam, đã có nhiều công ty lớn của Hàn Quốc hoạt động nhượng quyền như Lotteria, CJ Foodville, F&B, Caffe Bene... với các thương hiệu phổ biến gồm: Tour Les Jours, BBQ Chicken...

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc đã ký kết và đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua ngày 30/11, điều này sẽ góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai nước đạt 70 tỷ USD vào năm 2015.

Bên cạnh đó, hiệp định này không chỉ mở rộng cơ hội thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, mà còn tạo điều kiện tăng thêm sự hợp tác ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nhượng quyền thương mại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.