Lo ngại vỡ nợ gia tăng trên thị trường bất động sản Trung Quốc

Tại Trung Quốc, nhiều công ty bất động sản bị hạ xếp hạng tín dụng trong lúc số phận của tập đoàn Evergrande còn chưa rõ ràng, làm gia tăng lo ngại về khả năng vỡ nợ theo hiệu ứng dây chuyền.
Văn phòng của tập đoàn bất động sản Evergrande tại Hong Kong (Trung Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những lo ngại về khả năng vỡ nợ ngày càng cao của các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc đã đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư trong phiên 4/10, khi nhiều công ty bị hạ xếp hạng tín dụng và số phận của tập đoàn Evergrande vẫn chưa rõ ràng.

Evergrande ngày 4/10 đã đề nghị ngừng hoạt động giao dịch cổ phiếu của tập đoàn này cho đến khi một thỏa thuận lớn được công bố. Công ty dịch vụ bất động sản Evergrande Property Services Group cũng yêu cầu ngừng giao dịch do có một đề xuất mua lại phần lớn cổ phần của công ty này.

Tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết công ty bất động sản Hopson Development là người mua 51% cổ phần tại công ty dịch vụ bất động sản nói trên với giá hơn 40 tỷ HKD (5,1 tỷ USD). Evergrande vẫn từ chối bình luận trước khi có thông báo chính thức, giữa lúc hoạt động giao dịch cổ phiếu của công ty này vẫn đang bị đình chỉ trong phiên 5/10.

Trong khi giới đầu tư đang chờ đợi thông tin trên được xác nhận, thì công ty phát triển bất động sản Sinic Holdings của Trung Quốc đã trở thành cái tên tiếp theo bị Fitch Ratings hạ xếp hạng tín dụng do sự không chắc chắn trong khả năng thanh toán lãi trái phiếu trị giá 246 triệu USD sẽ đáo hạn vào ngày 18/10.

[Thị trường bất động sản Trung Quốc nhận thêm tin tức kém lạc quan]

Xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của Sinic đã bị hạ từ CCC xuống C, sau khi công ty này thông báo một số công ty con đã quá hạn trả lãi nhiều khoản trái phiếu trong nước.

S&P Global Ratings cũng hạ xếp hạng của Sinic, với lý do công ty này đã “gặp nhiều vấn đề thanh khoản và khả năng trả nợ đã gần như không còn.” Cơ quan xếp hạng tín nhiệm này dự đoán Sinic có thể không trả được khoản lãi trái phiếu đáo hạn ngày 18/10 tới.

Ông Thomas Kwok, người đứng đầu mảng kinh doanh chứng khoán của công ty môi giới CHIEF Securities của Hong Kong (Trung Quốc), cho biết kể từ cuộc khủng hoảng của Evergrande, giới đầu tư ngày càng lo ngại và tập trung hơn vào khả năng trả nợ của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.

Ông cho biết các vấn đề về thanh khoản đang gia tăng, khi nhiều công ty không thể phát hành trái phiếu mới để lấy tiền trả nợ cũ, và khả năng huy động tiền từ việc bán tài sản của mình cũng giảm sút vì các quy định mới. Theo chuyên gia này, đây sẽ là một vòng tròn khắc nghiệt đối với các công ty phát triển bất động sản không đủ mạnh, vì không có đủ thanh khoản trên thị trường cho tất cả.

5 tỷ USD mà Evergrande có thể thu được từ việc bán cổ phần nói trên về mặt lý thuyết sẽ có thể trang trải cho việc thanh toán các khoản lãi trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài sắp đến hạn.

Giới phân tích cho rằng thỏa thuận tiềm năng này của Evergrande là dấu hiệu cho thấy tập đoàn này vẫn đang xoay sở để thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình. Nhưng việc Evergrande vội vàng bán tháo các tài sản của mình sẽ làm gia tăng hơn nữa những lo ngại về phần còn lại của lĩnh vực bất động sản nước này, cũng như toàn bộ nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục