Loạt bài về Snowden đoạt giải Pulitzer danh giá

Loạt bài về tiết lộ của Snowden đoạt giải Pulitzer danh giá

Những vấn đề liên quan đến Edward Snowden đang gây khó cho giải thưởng báo chí danh giá nhất của Mỹ, giải Pulitzer.
Loạt bài về tiết lộ của Snowden đoạt giải Pulitzer danh giá ảnh 1Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hai tờ báo Washington Post của Mỹ và Guardian của Anh đã được trao giải thưởng báo chí danh giá nhất, giải Pulitzer ở thể loại dịch vụ công cho loạt bài về chương trình do thám toàn cầu của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), thông qua tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Edward Snowden.

Giải được công bố ngày 14/4, tức 10 tháng sau khi hai tờ báo trên bắt đầu đăng tải những thông tin đầu tiên mà Snowden cung cấp gây chấn động thế giới, tiết lộ Mỹ và thu thập các cuộc gọi của công dân nước này.

Vụ việc cũng đã gây chia rẽ nước Mỹ, khi giằng xé giữa việc coi Snowden là người hùng hay kẻ phản bội, và liệu những tờ báo đã tiết lộ quy mô chương trình do thám toàn cầu của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) thông qua Snowden là đáng được ca ngợi hay bị lên án. 

Tuy nhiên, với hầu hết các nhà báo, họ không thấy có gì phải tranh luận.

Có lẽ câu chuyện báo chí với ảnh hưởng lớn nhất trong một thập kỷ, các báo The Guardian và The Washington Post đã phá vỡ những lề thói thông thường khi theo đuổi câu chuyện về việc chính phủ Mỹ đã thu thập dữ liệu của hàng triệu người trên toàn thế giới ra sao.

Nhưng những bài báo đó đã khiến chính quyền mất mặt, gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh mà nước này đã dò la, thậm chí là nghe lén những cuộc điện thoại của các lãnh đạo cấp cao.

Về phần dư luận, sự thông cảm cho Snowden vẫn lớn hơn. Nhiều người tin rằng người dân Mỹ có quyền biết chính phủ đang làm gì. Nhưng cũng có những người nói Snowden là kẻ phản bội và một tội phạm hình sự cần bị truy tố.
 
Paul Janensch, giáo sư danh dự ở Khoa truyền thông của Đại học Quinnipiac, dự báo sẽ có tranh cãi giữa các nhà báo và những thành viên của ban giám khảo Pulitzer có khuynh hướng bảo thủ.

“Một mặt, đó là những tác phẩm báo chí tuyệt vời, nhưng mặt khác, các tài liệu này bị rò ri bất hợp pháp và được xếp loại mật, làm cho chính phủ Mỹ nổi giận,” Janensch nói. “Và người cung cấp các thông tin lại đang tị nạn ở Nga, nên dễ hiểu là tranh luận sẽ rất dữ dội.”

Hồi tháng Một, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ (DNI) James Clapper từng cho rằng các nhà báo đưa tin về các tài liệu mật rò rỉ của Snowden có thể bị coi như “những đồng phạm.”

Glenn Greenwald và Laura Poitras, hai nhà báo Mỹ đã phỏng vấn Snowden ở Hong Kong, trở về Mỹ ngày thứ Sáu lần đầu tiên kể từ khi câu chuyện của họ được đăng tải.

Họ nói với các phóng viên sau khi nhận giải thưởng George Polk vì bài viết cùng với Ewen MacAskill của tờ The Guardian và Barton Gellman của The Washington Post rằng họ sợ bị bắt giữ và phải ra hầu tòa.

“Tôi không thể nghĩ ra một lựa chọn nào thích đáng hơn cho giải Pulitzer,” giáo sư về nghiên cứu truyền thông ở Đại học New York Mark Miller nói. “Glenn Greenwald đã làm điều mà các nhà báo Mỹ phải làm, phục vụ cho lợi ích của công chúng bằng cách soi sáng tình trạng lạm dụng quyền lực một cách thái quá của chính quyền.”

Áp lực bước qua lằn ranh của các nhà báo trong vụ này là rất lớn, theo lời Miller, dù pháp luật Mỹ rất bao dung với quyền tự do báo chí. “Những người hùng đích thực trong làng báo ở đất nước này thường là những kẻ lập dị, những người dám đưa các câu chuyện thường bị bài bác là 'thuyết âm mưu',” Miller nói thêm.

Các chuyên gia về truyền thông đều nói không có bằng chứng cho thấy các bài báo về Snowden đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, và Greenwald, Poitras và MacAskill đều nhấn mạnh họ đã xử lý các tư liệu của mình một cách thận trọng ra sao.

Những người ủng hộ các nhà báo này nói ban tổ chức giải Pultizer đứng trước rủi ro mất uy tín nghiêm trọng nếu không trao giải thưởng cho câu chuyện báo chí lớn nhất thập kỷ. “Như thế nghĩa là họ đã đầu hàng phe hữu hay phe bảo thủ trong các vấn đề an ninh của chính trị Mỹ,” Christopher Simpson, giáo sư truyền thông ở Đại học American ở Washington nói.

Truyền thông Mỹ thường được coi là bảo thủ hơn trong các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia Mỹ so với truyền thông nước ngoài. “Không kể trên internet, đang có khoảng cách lớn trong việc đưa tin giữa Mỹ và châu Âu về các vấn đề quan hệ quốc tế,” Simpson nói. 

“Tôi cho rằng báo chí ở châu Âu không quan tâm nhiều tới việc CIA (Cục tình báo trung ương Mỹ) muốn gì như với báo chí Mỹ, tức bao gồm The Washington Post và The New York Times.”

Nhưng Rem Rieder, biên tập viên ở tờ USA Today, nói quan điểm của dư luận và của báo chí Mỹ đã thay đổi trong 10 năm qua. Những chỉ trích của truyền thông Mỹ nhắm vào Snowden cũng chỉ tập trung vào việc anh ta đã tiết lộ gì và người Mỹ có thể làm được gì, chứ không phải vào hành vi của Snowden và báo chí./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục