Tối 22/2, tại Kiên Giang, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ công bố Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc-Đồng bằng sông Cửu Long, đón nhận Bằng công nhận khu Ramsar Vườn quốc gia U Minh Thượng và kỷ niệm 280 năm Tao đàn Chiêu Anh Các (1736-2016). Năm Du lịch quốc gia 2016 với chủ đề “Khám phá Đất phương Nam.”
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Năm 2015, ngành du lịch đã thu hút, đón và phục vụ cho khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 330.000 tỷ đồng.
Việc tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2016 là giải pháp quan trọng, góp phần xúc tiến, quảng bá hình ảnh, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và nhận thức của cộng đồng xã hội đối với phát triển du lịch.
Lễ công bố mở màn cho các hoạt động, sự kiện du lịch, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao thiết thực mang tầm quốc gia và quốc tế trong Năm Du lịch quốc gia 2016.
Nhân sự kiện này, tình Kiên Giang đã vinh dự đón nhận Bằng công nhận khu Ramsar Vườn quốc gia U Minh Thượng làm khu Ramsar thứ 2.228 của thế giới và khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam.
Đây là một trong hai khu vực rừng đầm lầy than bùn quan trọng còn lại ở Việt Nam và được công nhận là một trong ba điểm ưu tiên về bảo tồn đất ngập nước ở Đồng bằng sông Cửu Long có giá trị về sinh học, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa lịch sử.
Việc Vườn quốc gia U Minh Thượng được công nhận là khu Ramsar của thế giới mở ra cơ hội để tỉnh Kiên Giang đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất ngập nước, phục vụ phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm.
Cùng với đó là lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các. Cách đây 280 năm vào ngày Rằm tháng Giêng mùa Xuân năm Bính Thìn 1736, Tổng binh Đại Đô đốc Trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích đả mỡ hội hoa đăng thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các.
Tao đàn được các nhà nghiên cứu lịch sử văn học đánh giá là Tao đàn lớn thứ hai trong cả nước lúc bấy giờ, là nơi khai mở nền văn học Hà Tiên phát triển rực rỡ với những áng văn chương một thời lừng danh, làm cho Hà Tiên được xem như một trong những chiếc nôi của nền văn học miền Nam.
Thơ văn Chiêu Anh Các là ra cả nước ngoài, được các danh nghệ sỹ cùng thời thi nhau xướng họa.
Hiện nay, lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các được tổ chức thường niên vào mỗi dịp xuân về, là hoạt động văn hóa truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của nhân dân trên địa bàn, qua đó giới thiệu những hình ảnh, nét đặc trưng truyền thống lịch sử văn hóa, tình đất, tình người của Hà Tiên, Kiên Giang đến với du khách thập phương.
Trân trọng, tôn vinh những thành quả lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật của các bậc tiền nhân, tỉnh Kiên Giang tập trung nguồn lực đầu tư, nâng tầm lễ hội, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vận động nhân dân địa phương xây dựng thành công "Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các" trở thành sản phẩm du lích đặc trưng, thương hiệu riêng của du lịch Hà Tiên.
Buổi lễ còn có các chương trình nghệ thuật, biểu diễn ca múa nhạc, ngâm thơ... với nội dung ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, về “Hà Tiên đẹp như xứ thơ” và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đêm hội hoa đăng với hàng ngàn chiếc đèn hoa thả trên mặt nước đầm Đông Hồ trong đêm “Đông Hồ ấn nguyệt Hà Tiên” nguyện cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình và mang ước nguyện mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà an lành, hạnh phúc./.