Theo chương trình, từ ngày 4/6-6/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng của 4 Bộ: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội.
Quy trình lựa chọn các vấn đề chất vấn, nội dung chất vấn là rõ ràng, chính xác và khoa học, đã được thực hiện dựa trên luật hoạt động giám sát của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội và đặc biệt là có hướng dẫn về lựa chọn này.
Trong hướng dẫn nêu rõ việc lựa chọn phải dựa trên các kiến nghị của cử tri qua các kỳ tiếp xúc cử tri.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trao đổi với báo giới bên lề Kỳ họp thứ 5 về việc lựa chọn các trưởng ngành chất vấn.
Không thể né tránh việc được chọn chất vấn
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, việc lựa chọn các trưởng ngành chất vấn phải được thực hiện qua các ý kiến đề nghị chất vấn mà các đại biểu Quốc hội gửi tới kỳ họp và phải dựa vào những trao đổi, thảo luận tại các phiên thảo luận về kinh tế-xã hội.
Ban Dân nguyện đã tập hợp được 120 nội dung, nhóm nội dung các vấn đề gửi tới Kỳ họp thứ 5, qua các đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp; khoảng 60 phiếu chất vấn của các đại biểu Quốc hội gửi và căn cứ vào các phiên thảo luận kinh tế-xã hội, Tổng thư ký đã tập hợp và xin ý kiến các cơ quan chuyên môn, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, sau đó lựa chọn tìm ra các nhóm vấn đề, xin ý kiến Thường vụ Quốc hội, ý kiến Quốc hội.
“Việc lựa chọn này là hoàn toàn công khai, minh bạch và nó được lựa chọn từ rất nhiều cơ sở, đặc biệt là từ ý kiến phản ánh của cử tri thông qua các đợt tiếp xúc cử tri. Vì vậy, không hề có sự né tránh với các vấn đề nóng, những vấn đề mà người dân đang quan tâm sẽ được ưu tiên xem xét,” bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Trưởng ban Dân nguyện cho biết, những vấn đề bất cập ở các dự án đầu tư theo hình thức BOT, từ mức thu phí, rồi chất lượng, quản lý… đã được giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây nhưng vì đại biểu Quốc hội vẫn rất quan tâm và nhận được ý kiến của người dân nhiều nên kỳ này vẫn được đưa ra là một nhóm vấn đề cho Bộ Giao thông Vận tải. Như vậy là không có sự né tránh đối với các vấn đề nóng hiện nay.
Lý giải về việc dự kiến mời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sau đó lại không mời nữa, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết có vấn đề liên quan đến thủ tục.
Tại các phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng mời và đây cũng là một cách làm thí điểm. Quốc hội chỉ mời những người do Quốc hội bầu hoặc bổ nhiệm, còn ở đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân không phải do Quốc hội bầu hoặc bổ nhiệm, vì vậy không phải là đối tượng để chất vấn, Thường vụ mời đến là để phối hợp cùng cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội.
Nếu khách mời là thành phần chính thức trong phiên chất vấn thì theo các quy định của pháp luật hiện nay, họ không có trách nhiệm trả lời mà chỉ có trách nhiệm chia sẻ thông tin.
Bà cho biết bà cũng không nắm rõ trên thực tế danh sách khách mời là như thế nào nhưng tôi nghĩ khách mời là Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân các tỉnh là có. Chắc chắn Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố là có tham gia vào các phiên chất vấn (dự khán ngồi ở trên tầng 5). Còn lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố thì vẫn thường có trong danh sách khách mời.
Đánh giá về trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, trưởng ngành, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri nhận thấy việc truyền hình trực tiếp các phiên trả lời chất vấn có tính chất xây dựng hình ảnh của các Bộ trưởng.
Có những cử tri rất tâm huyết gửi những đánh giá viết tay 30 trang về từng Bộ trưởng một trong phiên chất vấn, từ phong thái trả lời, vấn đề trả lời, từ việc quyết liệt trả lời…
Cử tri đánh giá cao sự nỗ lực của các Bộ trưởng trong thời gian vừa qua, đã cố gắng trả lời và sau khi trả lời đã cố gắng giải quyết, tổ chức thực hiện những vấn đề mình đã trả lời.
Có những vấn đề cụ thể cử tri một địa phương chất vấn được mang đến kỳ họp và Bộ trưởng đã trả lời thấu đáo, cử tri có giám sát việc giải quyết. Một số vấn đề chưa giải quyết được, cử tri đánh giá nguyên nhân không phải do chủ quan mà phần nhiều là khách quan như công tác phối hợp chưa tốt, nguồn lực thiếu, cơ chế chính sách còn thiếu.
Nguyên nhân chủ quan do sự thiếu trách nhiệm, hay thiếu quan tâm, do năng lực trình độ chiếm ít. “Đấy là điều mà tôi thấy rất đáng mừng trong việc cử tri đánh giá về chất lượng trả lời chất vấn của các Bộ trưởng,” Trưởng ban Dân nguyện chia sẻ.
Một vấn đề nữa liên quan đến chất vấn, theo bà Nguyễn Thanh Hải, là cử tri mong muốn có một cơ chế mạnh hơn nữa, xử lý mạnh hơn nữa đối với những vấn đề đã nêu trong chất vấn mà các Bộ trưởng, trưởng ngành chưa thực hiện. Vấn đề hậu giám sát từ trước đến nay vẫn được nêu nhiều nhưng xử lý trách nhiệm chưa rõ do cơ chế nhiệm kỳ, bản thân đại biểu chất vấn đó lại hết nhiệm kỳ, sang nhiệm kỳ sau, khóa sau.
Cử tri nhấn mạnh rất mong muốn có một cơ chế minh bạch để xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể khi không thực hiện đầy đủ các kiến nghị nêu trong các nghị quyết giám sát cũng như các nghị quyết chung của Quốc hội.
Hiện nay, Quốc hội là cơ quan dân cử cao nhất nhưng cũng chỉ có thẩm quyền kiến nghị. Vì vậy, khi kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cần có một cơ chế để xử lý.
Cử tri cũng mong muốn đại biểu Quốc hội đánh giá chất lượng trả lời, trách nhiệm thực hiện các vấn đề cử tri chất vấn, kiến nghị với đại biểu Quốc hội lấy đó làm căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm của các vị Bộ trưởng, các cá nhân do Quốc hội bầu ra trong kỳ họp tới.
Cử tri cũng muốn gửi gắm tới Quốc hội là qua việc trả lời chất vấn, việc thực hiện các vấn đề cử tri nêu, đại biểu lấy đó làm cơ sở đánh giá một cách chính xác trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của các Bộ trưởng, trưởng ngành.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải khẳng định Bộ trưởng, Trưởng ngành không thể né tránh việc mình được chọn chất vấn bởi đã có quy trình thủ tục lựa chọn rồi, dựa trên kiến nghị của cử tri, dựa trên phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội và dựa trên các vấn đề nóng đã được lựa chọn ở trong phiên thảo luận kinh tế-xã hội. Đó là những lựa chọn công khai, có số phiếu đầy đủ.
Cách thức tổ chức chất vấn cũng được cải tiến rất nhiều. Không phải chỉ 4 Bộ trưởng lựa chọn mới phải “đối mặt” với các câu hỏi mà đại biểu nêu mà có rất nhiều vị Bộ trưởng khác phải phối hợp cùng trả lời, đặc biệt là còn có cả các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực… vì vậy cũng là những đối tượng để cử tri đánh giá và qua đó cử tri sẽ lại gửi gắm đến đại biểu Quốc hội để đại biểu đánh giá mức độ tín nhiệm trong kỳ họp sau.
[Quốc hội khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các bộ trưởng]
Chuyển động trong trả lời kiến nghị cử tri
Đánh giá của Trưởng ban Dân nguyện này cho thấy việc trả lời kiến nghị cử tri là một sự nỗ lực của Chính phủ, của các thành viên Chính phủ, một sự chuyển biến rất tích cực, chất lượng giải quyết, thời hạn giải quyết cũng rất tiến bộ. Tất cả các vấn đề cử tri nêu đều phải được trả lời.
Thay vì trước đây chỉ nói “chúng tôi sẽ tiếp thu,” “sẽ nghiên cứu và giải quyết trong thời gian tới” thì nay đã được thay đổi bằng “chưa giải quyết được do thiếu nguồn lực,” “chúng tôi xin tiếp thu,” “xin trả lời thông tin đến các đại biểu là…” xin giải quyết dự kiến đến năm 2018, 2020, thậm chí có dự kiến đến năm 2026.
Việc nêu lên được lộ trình giải quyết cũng làm cho cử tri yên tâm, cho thấy vấn đề được đặt ra đã được các bộ, ngành quan tâm. Có đến hơn 90% câu hỏi đã được trả lời, đều có lộ trình giải quyết.
Sự chuyển động đó là do sự vận hành rất năng động của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành. Mọi chủ trương, chính sách, việc tổ chức thực hiện, cuối cùng người đánh giá, người thụ hưởng đều là người dân.
Vì vậy, việc lấy phản hồi và việc đáp ứng lại thông tin trả lời cho cử tri, cho người dân là quan trọng số một. Lắng nghe ý kiến của cử tri để ban hành chính sách, tổ chức thực hiện chính sách và nhân dân lại là người chấm điểm, là vị giám khảo quan trọng nhất.
Việc đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội cũng tạo ra chuyển biến này. Sự thay đổi trong cách giám sát, việc đánh giá từ các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đối với trả lời của các vị Bộ trưởng là một căn cứ rất quan trọng. Có phiếu đánh giá là một hình thức mới nhất trong kỳ này.
“Chúng tôi có sửa đổi cách thức đánh giá là lấy thông tin đánh giá từ các Đoàn đại biểu Quốc hội. Chúng tôi cũng đã đánh giá là kỳ này có một sự thay đổi chất lượng và số lượng trả lời, 59/59 đoàn được xin ý kiến thì đều trả lời như vậy,” bà Nguyễn Thanh Hải cho hay./.