Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ bổ sung thêm quy định về quản lý tài liệu lưu trữ tư nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc lưu giữ, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu tư để phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia.
Đó là thông tin ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết trong cuộc họp báo ngày 7/4.
Theo đó, với mục tiêu phát triển lưu trữ tư, Nhà nước có những chính sách để công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu lưu trữ tư và tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ.
[Cục Văn thư và Lưu trữ: 60 năm gìn giữ di sản mang hồn cốt dân tộc]
Những quy định này vừa bảo đảm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ tự, vừa bảo đảm quản lý nhà nước, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý tài liệu lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Theo Cục trưởng Đặng Thanh Tùng, việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Hiện nay, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo ông Đặng Thanh Tùng, Luật Lưu trữ hiện hành chưa thể chế hóa được những chủ trương, chính sách mới của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực lưu trữ.
“Nói đến lưu trữ, chúng ta thường hiểu ngay là bảo quản các tài liệu nằm trên giấy, hình ảnh, băng đĩa… song thời đại ngày nay, chúng ta phải nghĩ đến việc làm sao để ngành lưu trữ đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, cụ thể là lưu trữ dữ liệu lớn,” ông Đặng Thanh Tùng phân tích.
Chia sẻ thêm với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Tùng cho rằng công tác quản lý nhà nước của ngành lưu trữ đang gặp khó khăn vì luật chưa bao quát được các khái niệm mới. Chẳng hạn, Luật Lưu trữ năm 2011 chỉ xác định phạm vi lưu trữ tài liệu, mà thông tin trên tài liệu rất khác với dữ liệu, muốn quản lý được thì Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phải kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thời điểm này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chương trình, đề án, chiến lược thực hiện chủ trương của Đảng về ‘đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế’, trong đó có lĩnh vực lưu trữ.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp lý các lĩnh vực đang được bổ sung, sửa đổi. Do đó, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho rằng việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) để trình Chính phủ vào tháng 6/2023; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV (tháng 10/2023).
Dự kiến, Luật sẽ được Quốc hội thông qua trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV (tháng 3/2024). Thời gian Luật có hiệu lực là từ 1/1/2025./.