Sau khi đăng tải thông tin về chương trình Model Kid Việt Nam do phía Công ty Multimedia JSC cung cấp, ngày 22/4, Báo Điện tử VietnamPlus nhận được phản ánh của ông Nguyễn Hoàng Thảo về việc “xâm phạm bản quyền và ăn cướp chương trình Người mẫu nhí Việt Nam-Model Kid Vietnam.”
Ông Thảo cho biết mình là tác giả chủ sở hữu đồng thời là giám đốc sản xuất chương trình này vào năm 2018 và 2019, bản quyền thuộc Hãng Phim Hoàng Thảo.
Trước đó, Model Kid Việt Nam 2019 do Công ty Multimedia JSC sản xuất khởi động từ cuối tháng 5/2019.
[Model Kid Vietnam: Các ‘thiên thần nhí” đối mặt thử thách ‘khó nhằn']
Từ tháng 7/2019 tới nay, ông Hoàng Thảo liên tục tố cáo Công ty Multimedia JSC “ăn cắp” bản quyền chương trình của mình và câu chuyện đến giờ vẫn chưa có hồi kết.
Bài 1: Model Kid Việt Nam bị “tố” ăn cắp bản quyền
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về chương trình Model Kid Việt Nam, Cục Bản quyền đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho cả hai bên mà ông Hoàng Thảo và Công ty Multimedia JSC mà bà Trang Lê là đại diện pháp luật với hai nội dung khác nhau.
Về phía ông Hoàng Thảo, nhà chức trách công nhận: “Kịch bản chương trình-Người mẫu nhí Việt Nam,” loại hình tác phẩm viết. Về phía bà Trang Lê được công nhận: “Hình thức thể hiện logo Model Kid Việt Nam,” loại hình mỹ thuật ứng dụng.
Nguyên đơn nói gì?
Theo đơn tố cáo mà ông Hoàng Thảo gửi cơ quan báo chí ngày 15/7/2019, tác phẩm của ông được công bố vào 10/7/2012 và được Hãng Phim Hoàng Thảo cùng nhiều đơn vị tổ chức từ tháng 6/2018 và kết thúc vào 23/12/2018. Ông Thảo cũng đưa ra Giấy chứng nhận Đăng ký Quyền tác giả (do Cục Bản quyền tác giả cấp) với nội dung công nhận Kịch bản chương trình Người mẫu nhí Việt Nam-Vietnam Model Kid thuộc quyền sở hữu của tác giả Nguyễn Hoàng Thảo.
Cũng theo đơn tố cáo này, ông Hoàng Thảo cho rằng phía ông đang bị một tập thể gồm bà Lê Trang, Giám đốc Công ty Multimedia JSC và thương hiệu thời trang Canifa cùng một số đơn vị truyền thông báo chí phối hợp sản xuất và phát hành tin bài trái phép, thực hiện sản xuất chương trình, cố tình xâm phạm bản quyền và “trộm cắp” chương trình Người mẫu nhí Việt Nam-Model Kid Vietnam 2019.
Theo ông Thảo, hành vi của các đơn vị trên là “xâm phạm, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tài sản trí tuệ, chương trình tác phẩm Người mẫu nhí Việt Nam-Model kid Vietnam khi chưa có sự đồng ý bằng bất cứ văn bản hoặc thỏa thuận nào với ông…
Tiếp theo đó, trong email gửi đến tòa soạn VietnamPlus ngày 22/4/2020, ông Thảo tiếp tục thông báo về sự việc này và cho biết sẽ gửi đơn tố cáo tới các cơ quan nhà nước đồng thời yêu cầu “các anh chị nhà báo, các anh chị em đồng nghiệp gỡ bỏ tất các bài viết, hình ảnh, âm thanh, video và dừng ngay việc sản xuất, xuất bản tin bài, phát tán quảng cáo lưu truyền kinh doanh bằng các bài viết liên quan đến chương trình Model Kid Việt Nam cho phía bà Trang Lê.”
Người mẫu Nhí 2018 và Model Kid Vietnam 2019: Giống và khác
Theo tìm hiểu của phóng viên, cuộc thi tìm kiếm “Người mẫu Nhí 2018” do Hãng phim Việt Nam phối hợp với Hãng phim Hoàng Thảo tổ chức bắt đầu khởi động từ đầu tháng 6/2018 với các vòng sơ tuyển được diễn ra trên toàn quốc.
Sau vòng bán kết diễn ra tại Hà Nội, ban tổ chức đã lựa chọn được hơn 34 thí sinh vào vòng chung kết để cùng trải qua các phần thi: Trang phục tự chọn, trang phục áo dài và trang phục dạ hội… Cuối cùng top 6 tham gia phần thi ứng xử đã tìm ra 1 Quán quân và 2 Á quân cùng nhiều giải thưởng phụ.
Trong khi đó, Model Kid Vietnam 2019 là chương trình tìm kiếm và đào tạo người mẫu có độ tuổi từ 5-13, chia làm 4 đội và phải vượt qua những thử thách mang tính thời trang nhưng vẫn phải thể hiện nét ngây thơ, dễ thương vốn có của lứa tuổi và tỏa sáng với những khoảnh khắc đáng yêu.
Được biết, sau 2 tháng công bố khởi động (bắt đầu từ cuối tháng 5/2019) 'Model Kid Vietnam 2019 đã tạm dừng khi xảy ra lùm xùm tranh chấp bản quyền giữa ông Hoàng Thảo và Công ty Multimedia JSC. Tới tháng 3/2020, chương trình phát sóng trở lại trên kênh fanpage Model Kid Vietnam.
Model Kid Vietnam có 3 vòng, vòng sơ tuyển tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, kế tiếp là vòng bán kết (đào tạo và thử thách), cuối cùng sẽ là vòng chung kết (catwalk và chụp ảnh).
Sẵn sàng đối chất
Trước phản ánh của ông Hoàng Thảo, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã liên lạc với bà Lê Trang, đại diện Công ty Multimedia JSC.
Bà Trang tỏ ra bất bình và cho biết: “Không hiểu bên Hoàng Thảo muốn gì? Thứ nhất, nói về tên gọi đã khác nhau, bên Hoàng Thảo là ‘Người mẫu nhí Việt Nam-Vietnam Model Kid,’ bên Công ty Multimedia JSC là tên tiếng Anh ‘Model Kid Vietnam.’ Tên gọi là thương hiệu, thương hiệu là cái quan trọng nhất và bên Công ty Multimedia JSC có bản quyền thương hiệu đó. Thứ hai là về nội dung chương trình cũng không giống nhau. Với cuộc thi mẫu nhí, tiêu chí của anh Hoàng Thảo là của anh Hoàng Thảo, tiêu chí của bên Multimedia là của Multimedia. Hai format hoàn toàn khác nhau.”
Theo bà Trang, Model Kid Việt Nam là kinh nghiệm do phía công ty Multimedia đúc kết từ hơn 10 năm kinh nghiệm sản xuất chương trình Việt Nam’s Next Top Model.
“Khi mới bắt đầu câu chuyện, Hoàng Thảo có nói đã đăng ký tên Vietnam Model Kid từ 2012 nhưng sự thực thì Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả của Hoàng Thảo chỉ trước Multimedia 1 tuần. Thời điểm đó bên Multimedia làm mất 45 ngày mới có giấy chứng nhận bản quyền thương hiệu Model Kid Việt Nam [được cấp ngày 11/7/2019 - PV]. Lúc bên Multimedia đăng ký là không có tên nào giống thì Cục Bản quyền mới cấp chứng nhận,” bà Trang cho hay.
Bà Trang khẳng định, rất sẵn sàng ngồi đối chất với Hoàng Thảo về kịch bản chương trình. Bởi, cả hai bên đều đã có sản phẩm thì cùng đưa ra để so sánh xem có giống nhau không.
Theo đại diện Công ty Multimedia JSC, khi đơn vị này đăng ký nội dung của chương trình với Cục Bản quyền có ghi rất rõ một trong những thể loại cho logo là chương trình truyền hình thực tế người mẫu dành cho trẻ em.
Tuy nhiên, bà Trang Lê cho rằng trong việc này có sơ suất: “Muốn kín kẽ thì vừa phải đăng ký thương hiệu vừa phải đăng ký cả format (nội dung kịch bản). Sơ suất là bên Trang không nắm rõ việc cần phải đăng ký thêm nội dung kịch bản. Từ trước tới giờ Multimedia chỉ sản xuất những chương trình mua bản quyền nước ngoài, đây là lần đầu tiên làm một format Việt Nam nên khi làm việc với công ty luật, họ cũng tư vấn chưa tới nơi tới chốn.”
“Nhưng đấy là chúng tôi sơ suất chứ không có nghĩa đi copy của Hoàng Thảo,” bà Trang khẳng định.
Cũng theo bà Trang, Multimedia đã nhiều lần chủ động nhắn tin, gọi điện, email cho Hoàng Thảo để gặp và giải quyết về việc này nhưng Hoàng Thảo không gặp. “Sau đó, Multimedia đã tiếp tục gửi đơn lên Cục Bản quyền tác giả yêu cầu giải thích rõ việc này. Cục Bản quyền tác giả cũng đã nhiều lần mời Hoàng Thảo lên để cùng Multimedia ba mặt một lời nhưng Hoàng Thảo tiếp tục không gặp gỡ,” bà Trang nói./.
Bài 2: Vụ ‘Model Kid Việt Nam’: Cần xác định rõ đối tượng tranh chấp