Malaysia gia nhập CPTPP: Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu

Malaysia phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang nước này kể từ ngày 29/11 tới.
Malaysia gia nhập CPTPP: Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu ảnh 1Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực với Malaysia vào ngày 29/11 tới. (Nguồn: themalaysianreserve)

Mới đây, Malaysia đã trở thành thành viên thứ 9 phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và ngày 5/10 vừa qua, nước này đã chính thức thông báo về việc hoàn tất phê chuẩn.

Theo đó, Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực với Malaysia vào ngày 29/11 tới. Đặc biệt, trong số 11 nước đã ký kết Hiệp định CPTPP, Malaysia là nước thứ 9 thông qua sau Mexico, Nhật Bản, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Việt Nam và Peru.

Đánh giá về tác động của việc này đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cho biết việc Malaysia phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang nước này kể từ ngày 29/11 tới.

Hơn nữa, tuy Việt Nam đã có những hiệp định ký với Malaysia trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+ nhưng với việc Malaysia phê chuẩn Hiệp định CPTPP các doanh nghiệp có thể tận dụng nguyên vật liệu của ASEAN để sản xuất hàng hóa xuất sang 3 thị trường mà ASEAN chưa có FTA là Canada, Mexico và Peru.

[CPTPP bắt đầu có hiệu lực đối với Malaysia từ cuối tháng 11/2022]

Cụ thể, Việt Nam đang nhập từ Malaysia là hóa chất, chất dẻo, nguyên liệu linh kiện điện tử… Doanh nghiệp Việt có thể sử dụng nguyên liệu này làm đầu vào để đáp ứng được các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa để xuất sang 3 thị trường Canada, Mexico và Peru.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt hơn các cam kết từ hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Trong đó, chú trọng vào những vấn đề như tiếp tục phổ biến các cam kết rộng rãi đến các doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu để tham gia vào các thị trường các nước.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ đàm phán một số hiệp định FTA mới như Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Ireland; đàm phán Hiệp định FTA giữa ASEAN và Canada.

Cùng đó, Bộ Công Thương tiếp tục nâng cấp một số hiệp định FTA giữa ASEAN và một số đối tác quan trọng của ASEAN như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc… để từ đó doanh nghiệp có thể tận dụng được tốt hơn các ưu đãi từ các thị trường mà Việt Nam đã có FTA và mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.