Malaysia kỳ vọng phục hồi kinh tế thông qua hiệp định RCEP

Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia nhận định Hiệp định RCEP sẽ tạo điều kiện để Kuala Lumpur đẩy nhanh khắc phục tình trạng gián đoạn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Malaysia kỳ vọng phục hồi kinh tế thông qua hiệp định RCEP ảnh 1Logo biểu tượng của các nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). (Ảnh: CGTN/TTXVN_

Ngày 18/3, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực tại Malaysia. Giới chức nước này nhận định RCEP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Trong một phát biểu tại diễn đàn "Trung Quốc-ASEAN trong việc thực thi RCEP: Các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho RCEP chưa?," Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia - ông Lim Ban Hong cho biết thỏa thuận trên sẽ tạo điều kiện để Kuala Lumpur đẩy nhanh khắc phục tình trạng gián đoạn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Ông nêu rõ: "Việc thực hiện thỏa thuận RCEP là một động lực kịp thời cho tăng trưởng kinh tế dài hạn và sự thịnh vượng của khu vực. Đối với Malaysia, RCEP mở ra cơ hội lớn hơn để phục hồi kinh tế khi chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch."

Theo Thứ trưởng Lim Ban Hong, Malaysia đã đầu tư mạnh vào thương mại điện tử, số hóa và các yếu tố hệ sinh thái khác để chuẩn bị cho các bên liên quan tại địa phương tận dụng lợi thế của RCEP thông qua Kế hoạch Chi tiết thương mại quốc gia (NTB) 2021-2025 sẽ ưu tiên tăng giá trị xuất khẩu và số lượng các công ty xuất khẩu, tăng hàng hóa xuất khẩu có giá trị cao, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và cải thiện hệ sinh thái xuất khẩu.

Dựa trên hệ thống thương mại đa phương tuân theo các quy tắc, RCEP sẽ tạo điều kiện cho Malaysia hội nhập sâu rộng hơn vào nền thương mại-đầu tư tự do toàn cầu nhờ xóa bỏ khoảng 90% thuế quan giữa các nước thành viên.

Kuala Lumpur sẽ được hưởng các lợi ích từ RCEP, bao gồm dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tăng cường tạo thuận lợi thương mại, dỡ bỏ các rào cản đối với lĩnh vực dịch vụ cũng như cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các quy định liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, triển khai mua sắm của chính phủ và thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp sẽ nâng cao nhận thức về vai trò của mình trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, việc làm và đổi mới. Đặc biệt, quy định đối xử đặc biệt và riêng biệt dành cho các thành viên kém phát triển được kỳ vọng sẽ là công cụ thúc đẩy sự phát triển kinh tế công bằng.

Cộng đồng doanh nghiệp được khuyến khích tận dụng các cơ hội đầu tư rộng lớn và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực mà RCEP mang lại.

[ASEAN tái khẳng định cam kết đảm bảo thực thi đầy đủ, hiệu quả RCEP]

Khi thế giới dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, RCEP là công cụ quan trọng để tái tạo sức sống cho các doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế thông qua việc giảm bớt rõ rệt các rào cản đối với thương mại trong khu vực.

Ngoài việc cải thiện cách thức kinh doanh, RCEP sẽ đánh dấu việc tạo ra các chuỗi cung ứng khu vực mới cũng như củng cố các mạng lưới hiện có, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước khi điều kiện hội nhập hệ sinh thái thương mại toàn cầu.

Với quy mô thị trường rộng lớn gồm 15 quốc gia chiếm gần 30% dân số toàn cầu và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, RCEP sẽ đưa khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành trung tâm mới của thương mại toàn cầu, dự kiến tổng thương mại sẽ tăng gần 42 tỷ USD.

Trong ASEAN, Malaysia có khả năng sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ hiệp định này trong lĩnh vực xuất khẩu với mức tăng 200 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.