Mất 140.000 việc làm, tốc độ hồi phục của kinh tế Mỹ đang chững lại

Số việc làm mất đi trong tháng cuối cùng của năm 2020 phản ánh tác động của tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 trong thời gian qua cũng như các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Mất 140.000 việc làm, tốc độ hồi phục của kinh tế Mỹ đang chững lại ảnh 1Người tìm việc tại hội chợ việc làm ở Arlington, Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong tháng 12/2020, nền kinh tế Mỹ mất 140.000 việc làm - một dấu hiệu cho thấy tốc độ phục hồi sau các tổn thất do đại dịch COVID-19 gây ra đang bị chững lại.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 8/1, số việc làm mất đi trong tháng cuối cùng của năm 2020 phản ánh tác động của tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 trong thời gian qua cũng như các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt và số ca tử vong ở mức cao nhất với khoảng 4.000 ca/ngày đã buộc Chính phủ Mỹ phải siết chặt các biện pháp hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và khách sạn. Trong tháng 12/2020, số việc làm trong lĩnh vực này đã giảm 498.000 việc.

Cũng theo báo cáo trên, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giữ ổn định ở mức 6,7%, tương đương 10,7 triệu người. Cả hai số liệu này đều cao gấp đôi so với mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Riêng tuần cuối cùng của năm 2020, số người phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ không thay đổi so với tuần trước đó - ở mức cao 787.000 người.

Nền kinh tế Mỹ đã phải đối mặt với khủng hoảng trong năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

[Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tăng cao bất thường]

Chính quyền nhiều bang đã phải thực hiện các biện pháp hạn chế như yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa hoặc cắt giảm hoạt động, dẫn đến tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt bắt đầu từ tháng 3/2020. Tình hình đã được cải thiện vào mùa Hè khi các quy định được nới lỏng.

Tuy nhiên, do làn sóng COVID-19 bùng phát trở lại vào mùa Đông, nhiều bang đã phải thắt chặt lại các quy định đối với người sử dụng lao động, qua đó khiến thị trường lao động phục hồi chậm chạp hơn và lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp luôn ở mức cao.

Bên cạnh những người nộp đơn xin trợ cấp thông thường, Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 2/1 vừa qua, có khoảng 161.460 người đã nộp đơn xin trợ cấp theo chương trình Hỗ trợ Thất nghiệp do đại dịch (PUA), dành cho những lao động không đủ điều kiện nhận trợ cấp của chính phủ. Con số này thấp hơn nhiều so với mức của những tuần trước.

Tuy nhiên, chương trình này đã hết hiệu lực trong thời gian quốc hội và chính quyền của Tổng thống Donald Trump bế tắc trong việc đàm phán gia hạn chương trình này cùng với các khoản viện trợ khác.

Theo giới chuyên gia, số đơn xin trợ cấp theo PUA có thể tăng lên trong tuần tới khi Tổng thống Trump đã ký gia hạn chương trình này sau đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.