Liên quan đến công tác nghiên cứu các giải pháp cho việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long, hiện tại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai nghiên cứu một số phương án để tổng hợp, đánh giá, lựa chọn phương án tối ưu.
Với giải pháp của Tư vấn Công ty Katahira & Engineers International (KEI-Nhật Bản), theo kết quả báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long năm 2014, Tư vấn đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 sẽ sử dụng lớp bê tông nhựa đúc (Guss-Asphalt) cho lớp lót dưới và bê tông nhựa polyme cho lớp trên. Với phương án 2, lớp dưới sử dụng bê tông cốt sợi thép (SFRC), lớp trên bằng bê tông nhựa polyme.
Đối với phương án của chuyên gia Nga (Công ty SK MOST), tại buổi làm việc trao đổi với các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị này sơ bộ đưa ra phương án thi công hàn các đinh neo lên bề mặt bản thép; đổ lớp bê tông cường độ siêu cao cốt sợi dày 4-6cm và thảm lớp bê tông nhựa đúc (Gussasphalt). Hiện tại, Tổng cục Đường bộ đang liên hệ với Công ty SK MOST để được cung cấp các thông tin chi tiết nhưng chưa có phản hồi.
Một công nghệ khác cũng được Tổng cục Đường bộ quan tâm đó là giải pháp sử dụng bê tông siêu tính năng (UHPC). Phương án này sẽ hàn các đinh neo lên bề mặt bản thép, làm lưới thép đổ bê tông UHPC làm lớp phủ bê tông nhựa. Hiện nay, đơn vị đang làm mẫu thử nghiệm và chuẩn bị thực hiện các thí nghiệm trong phòng đê xem xét đánh giá.
[Bộ trưởng GTVT: Sửa mặt cầu Thăng Long với tuổi thọ ít nhất 7-10 năm]
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ đang tiếp tục tìm hiểu và thu thập các nghiên cứu của các tổ chức, chuyên gia khác về giải pháp thiết kế, sửa chữa lớp phủ trên mặt cầu thép có bản trực hướng (tương tự như cầu Thăng Long).
Đề cập đến việc hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm sửa chữa cầu Thăng Long từ đơn vị của Nga, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng, Tổng cục đã liên hệ với chuyên gia của Cộng hòa Liên bang Nga trực tiếp xây dựng cầu Thăng Long trước đây (Công ty SK MOST), gửi các tài liệu nghiên cứu của Tư vấn KEI và mời sang Việt Nam để khảo sát thực tế và trao đổi kinh nghiệm, giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Sau khi gửi Công ty SK MOST về việc triển khai chi tiết các đề xuất khảo sát, thiết kế và giá trị dự toán để lập phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long trình Bộ Giao thông Vận tải, Công ty SK MOST đề nghị Tổng cục Đường bộ ký hợp đồng sau đó mới thực hiện các nội dung đề nghị của Tổng cục.
“Tổng cục gửi Công ty SK MOST về cung cấp thông tin chi tiết để thực hiện các thủ tục về triển khai công tác sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Tuy nhiên sau một số lần liên hệ trao đổi, đến nay Công ty SK MOST chưa có văn bản trả lời chính thức. Do vậy, đến thời điểm hiện tại chưa thể đưa ra được phương án phối hợp với Công ty khoa học-sản xuất SK MOST về thực hiện sửa chữa cầu Thăng Long,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay.
Thừa nhận công tác nghiên cứu các giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long đang được Tổng cục Đường bộ khẩn trương triển khai thực hiện, lãnh đạo đơn vị này bày tỏ quan điểm việc chậm trễ trong công tác phối hợp của Công ty SK MOST có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Do vậy, trường hợp Công ty SK MOST không thể hiện sự quan tâm về dự án sửa chữa cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ thống nhất với đề xuất của Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga về việc loại dự án này khỏi danh sách ưu tiên.
[Sửa chữa, khắc phục tạm thời những hư hỏng mặt cầu Thăng Long]
Tại buổi kiểm tra mặt cầu Thăng Long chiều ngày 12/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cam kết sẽ tìm giải pháp để sửa chữa mặt cầu Thăng Long tốt nhất và ổn định ít nhất 7-10 năm.
Để làm được vấn đề này, Bộ trưởng Thể đánh giá chi phí sẽ lớn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cố gắng tối đa để sửa chữa toàn diện mặt cầu Thăng Long.
Vào tháng Bảy vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về sửa chữa mặt đường ôtô trên cầu Thăng Long với kinh phí khoảng 180 tỷ đồng và đề xuất lấy nguồn tiền từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.
Được biết, trong giai đoạn năm 2012-2013, Bộ Giao thông Vận tải thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bêtông nhựa mặt cầu Thăng Long bằng máy rải chuyên dụng của hãng HallBrother (Mỹ), sử dụng vật liệu dính bám nhũ tương nhựa đường polyme và bêtông nhựa polyme. Thế nhưng, sau một thời gian, có nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành./.
Mặt đường bộ tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 3.116m gồm phần cầu chính dài 1.688m, với 15 nhịp dàn thép được chia thành 5 liên, mỗi liên gồm 3 nhịp dàn thép liên tục. Bề rộng mặt cầu 20,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới rộng 16,5m (mặt đường bê tông nhựa diện tích 27.852m2), còn lại hai bên là phần đường bộ hành công vụ mỗi bên rộng 2,0m. Phần cầu dẫn bêtông cốt thép có tổng chiều dài dài 1.428m (nhịp mố phía bắc gồm 22 dầm x 33m; nhịp mố phía nam gồm 21 dầm x 33m), bề rộng măt 16,5m (diện tích 23.562m2). Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Cầu được xem là công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt-Xô. |