Mexico đề xuất kéo dài thời gian để đàm phán NAFTA

Mexico đã đề nghị kéo dài thêm 1 vòng tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mexico, Mỹ và Canada) để các bên có thêm thời gian thảo luận về những điều khoản còn bất đồng.
Mexico đề xuất kéo dài thời gian để đàm phán NAFTA ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer tại vòng 3 tái đàm phán NAFTA ở Ottawa, Ontario, Canada ngày 27/9/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, ngày 26/1, Mexico đã đề nghị kéo dài thêm 1 vòng tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mexico, Mỹ và Canada) để các bên có thêm thời gian thảo luận về những điều khoản còn bất đồng.

Tại vòng 6 tái đàm phán NAFTA đang diễn ra ở Montreal, Canada, do kết quả tiến triển không được khả quan, quan chức của 3 bên đang nghiên cứu khả năng tiến hành thêm một vòng đàm phán tại Mexico, dự kiến kéo dài trong 1 tuần và bắt đầu từ ngày 26/2 tới, trước vòng đàm phán cuối cùng tại Mỹ vào cuối tháng Ba.

Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo tỏ ra lạc quan rằng quá trình đàm phán sẽ kết thúc trước cuối tháng Bảy năm nay.

Trong khi đó, trước những ý kiến về việc tạm dừng đàm phán do lo ngại sự ảnh hưởng và chi phối chính trị bởi các cuộc tổng tuyển cử ở Mexico vào ngày 1/7 tới và bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ vào tháng 11, Chủ tịch Hội đồng điều phối doanh nghiệp Mexico, Juan Pablo Castañón, khẳng định quá trình đàm phán không thể bị ngắt quãng.

Vòng 6 tái đàm phán NAFTA đang diễn ra tại thành phố Montreal của Canada với rất nhiều rào cản phía trước.

Phía Mỹ vẫn khăng khăng giữ các yêu sách trong một số lĩnh vực then chốt như nâng tỷ lệ nội địa hóa khu vực đối với ngành sản xuất ôtô, mở rộng quyền tiếp cận với các hợp đồng mua sắm chính phủ, loại bỏ cơ chế giải quyết tranh chấp trong NAFTA và xác lập thời hạn đánh giá lại hiệp định sau mỗi 5 năm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí dọa sẽ khởi động tiến trình rút khỏi NAFTA nếu không đạt được những nhượng bộ cần thiết từ Canada và Mexico.

Trước khi vòng đàm phán này khai mạc, cả Canada và Mexico đều tuyên bố sẽ đưa ra những đề xuất linh hoạt về quy tắc xuất xứ sản phẩm và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư trong Chương 11.

Bên cạnh đó, hai nước cũng đã chuẩn bị phương án dự phòng cho việc Mỹ rút khỏi NAFTA, cho dù đây không phải là kịch bản mà họ mong muốn.

NAFTA, có hiệu lực từ năm 1994, hiện chiếm 40% GDP toàn cầu. Trao đổi thương mại nội khối đạt trên 1.200 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả Mexico và Canada./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.