Mexico kiên quyết bảo vệ cơ chế giải quyết tranh chấp trong NAFTA

Quốc hội Mexico thông qua đề xuất bác bỏ kế hoạch của người đồng cấp Mỹ Donald Trump về việc loại bỏ cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định theo Chương 19 trong tái đàm phán NAFTA.
Mexico kiên quyết bảo vệ cơ chế giải quyết tranh chấp trong NAFTA ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo (trái) và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tại cuộc họp báo sau cuộc họp về NAFTA. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Quốc hội lưỡng viện nước này vừa thông qua một đề xuất, qua đó đề nghị Chính phủ của Tổng thống Enrique Peña Nieto bác bỏ kế hoạch của người đồng cấp Mỹ Donald Trump về việc loại bỏ cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định theo Chương 19 trong tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA - gồm Mexico, Mỹ và Canada).

Các nghị sỹ Mexico đánh giá đây là chương duy nhất và cũng là nội dung then chốt trong các thỏa thuận thương mại tự do nhằm đảm bảo thúc đẩy xuất khẩu.

[Mỹ sẵn sàng từ bỏ NAFTA nếu tái đàm phán không đạt kết quả]

Loại bỏ cơ chế này khỏi NAFTA sẽ giúp Mỹ theo đuổi các biện pháp chống bán phá giá và trợ cấp chống lại các doanh nghiệp của Mexico và Canada.

Trước đó, ngày 25/7, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng tuyên bố sẵn sàng rút khỏi NAFTA trong trường hợp Mỹ loại bỏ Chương 19.

Dự kiến, vòng đàm phán lại đầu tiên về NAFTA sẽ diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ) từ ngày 16-20/8 tới.

Các bên liên quan sẽ tiến hành 7 vòng đàm phán, mỗi vòng đàm phán cách nhau 3 tuần và cố gắng hoàn tất hiện đại hóa hiệp định vào đầu năm 2018.

NAFTA có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Tổng thống Donald Trump, người luôn chủ trương ủng hộ chính sách bảo hộ sản xuất nội địa, từng mô tả hiệp định thương mại này là "thảm họa" và là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp.

Hồi tháng Tư vừa qua, các nước thành viên đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch đàm phán lại các điều khoản trong hiệp định này.

NAFTA đã trở thành nền tảng trong mọi chính sách kinh tế của Mexico. Tuy nhiên, giới chức Mexico tuyên bố quốc gia này có thể rời khỏi NAFTA nếu không đạt được lợi ích trong tái đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.