Ngày 22/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận bằng xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt di chỉ khảo cổ mộ cự thạch Hàng Gòn và bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia Văn miếu Trấn Biên.
Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đồng Nai, cho biết di chỉ khảo cổ mộ cự thạch Hàng Gòn (tại xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh) thuộc loại hình Dolmen có kiến trúc độc đáo, quý hiếm không những ở Việt Nam mà ở khu vực và thế giới.
Di chỉ được kỹ sư cầu đường người Pháp J.Bouchot phát hiện vào năm 1927 trong khi thi công đường từ Long Khánh đi Bà Rịa.
Từ khi được phát hiện đến nay, di chỉ mộ cự thạch Hàng Gòn luôn được giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khảo cổ trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu và đánh giá cao bởi tính độc đáo, quy mô và giá trị khoa học.
Năm 1928, di tích đã được xếp hạng và ghi vào danh mục các di tích lịch sử "Mộ Đông Dương - mộ Dolmen Hàng Gòn" và đến năm 1984, Bộ Văn hóa đã xếp hạng Mộ Cự thạch Hàng Gòn là di tích quốc gia, một trong 10 di tích quan trọng ở Nam bộ. Các nhà khoa học đánh giá, đây là một di tích độc đáo cả về nghệ thuật và kỹ thuật của các tộc người cổ Nam Á nói chung và người Việt cổ nói riêng.
Mộ Cự thạch Hàng Gòn là một dạng hầm mộ, được cấu tạo bởi những tấm đá hoa cương lớn và những trụ đá dài, nặng khoảng 30-40 tấn. Ngôi mộ có hình chữ nhật dài 4,2m, ngang 2,7m, cao 1,6m được ghép bởi sáu tấm đá hoa cương được bào khá nhẵn ở mặt ngoài; bốn tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, hai tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy.
Liên kết giữa tấm đá hoa cương nhờ vào hệ thống rãnh dọc chắc chắn. Xung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5m, tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật dài 1,1x0,3m, phần lớn các đầu trụ được khoét lõm hình yên ngựa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để xây dựng công trình trên, người Việt cổ phải huy động sức lao động của cả cộng đồng, tổ chức lao động một cách rất chặt chẽ. Đây là một công trình giống như "thạch tự tháp" của miền văn hóa sông Đồng Nai. Người Việt cổ đã biết tập hợp nhau lại tạo thành sức mạnh phi thường mới có thể vận chuyển được những cấu kiện bằng đá lớn như vậy, ngay cả đền Angkor (Campuchia) cũng không thấy những tảng đá nặng như thế.
Từ các mẫu hiện vật khai quật được, các nhà khoa học đã xác định niên đại của mộ cự thạch Hàng Gòn khoảng 150 năm trước Công nguyên đến 24 năm sau Công nguyên.
Đối vối di tích Văn miếu Trấn Biên, đây là công trình được khởi dụng vào năm Ất Mùi 1715 tại địa phận thôn Bình Thành và thôn Tân Lại, huyện Phước Chánh, tỉnh Trấn Biên (nay thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai). Đây là nơi có thế đất đẹp, non xanh nước biết, sơn thủy hữu tình và là văn miếu được xây dựng sớm nhất Nam Bộ.
Đến năm Giáp Dần 1794, Văn miếu Trấn Biên được trùng tu lại lần hai; năm Nhâm Tý 1852 được trùng tu lần ba. Năm 1861 khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp đã hủy hoại hoàn tòan Văn miếu Trấn Biên.
Đến năm 1998, nhân kỷ niệm 300 thành lập và phát triển vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành phục dựng lại Văn miếu Trấn Biên trên nền di tích cũ với các hạng mục Văn miếu môn, nhà bia, khuê văn các, thiên quang tỉnh, nhà bái đường, thư khố, văn vật khố.
Toàn bộ khuôn viên di tích văn miếu rộng 15ha với nhiều công trình hồ nước, vườn tượng đã được Chính phủ quy hoạch là không gian văn hóa-giáo dục tỉnh Đồng Nai và của cả nước.
Văn miếu Trấn Biên dành nơi trang trọng nhất trong nhà bái đường để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới; thờ các nhà giáo, nhà văn hóa tiêu biểu của cả nước và vùng đất Nam Bộ-Đồng Nai; thờ Khổng Tử. Hiện nay, Văn miếu Trấn Biên trở thành một di tích linh thiêng, một không gian văn hóa, giáo dục của Đồng Nai và vùng đất phương Nam./.