Bài 1: Xu hướng du lịch giai đoạn ‘mở cửa phục hồi’ 2022 sẽ thế nào?

Mở cửa du lịch Việt Nam: Gỡ khó để lộ trình phục hồi bền vững

Việc Chính phủ chấp thuận phương án mở cửa hoàn toàn du lịch từ giữa tháng 3/2022 đã thắp sáng niềm tin về cơ hội phục hồi nền kinh tế xanh, thích ứng trong bối cảnh mới.
Công nghệ sẽ là trợ thủ đắc lực cho khách du lịch giai đoạn bình thường mới. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Công nghệ sẽ là trợ thủ đắc lực cho khách du lịch giai đoạn bình thường mới. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Lời tòa soạn!

Cỏ dại phủ kín Angkor Wat, cả không gian tĩnh lặng như tờ. Kỳ quan thế giới tại Campuchia bỗng chốc hoang vắng như thành phố ma suốt nhiều tháng trong năm 2021. Đó là những hình ảnh làm lay động cả thế giới về sức tàn phá khủng khiếp mà đại dịch COVID-19 gây ra cho ngành du lịch Campuchia nói riêng cũng như cả khu vực và thế giới. 

Với Việt Nam, sau khi từng bước cơ bản đẩy lùi đại dịch bằng sự chung tay của cả cộng đồng, việc Chính phủ chấp thuận phương án mở cửa hoàn toàn du lịch từ giữa tháng 3/2022 đã thắp sáng niềm tin về cơ hội phục hồi nền kinh tế xanh, thích ứng trong bối cảnh mới.

Nắm bắt những xu thế mới, cũng như phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả, loạt 5 bài “Mở cửa du lịch Việt Nam: Gỡ khó để lộ trình phục hồi bền vững” của phóng viên VietnamPlus bám sát thực tế khó khăn của ngành để có những kiến giải, phân tích thực trạng từ ý kiến của giới chuyên gia, đồng thời tập trung đưa ra các giải pháp gỡ khó cho ngành “công nghiệp không khói” trong giai đoạn phục hồi và phát triển mới.

Bài 1: Xu hướng du lịch giai đoạn ‘mở cửa phục hồi’ 2022 sẽ thế nào?

Không chỉ ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, COVID-19 còn liên tục sắp xếp lại “trật tự xê dịch” theo cách riêng của nó với những xu hướng nhiều lần thay đổi trong hai năm qua.

Giữa bối cảnh đại dịch vẫn chuyển biến phức tạp, bằng quyết tâm giám sát và kiểm soát chặt chẽ, Việt Nam đang dần khôi phục lại các hoạt động du lịch đồng thời bước đầu nới lỏng các yêu cầu về kiểm dịch kể từ cuối năm 2021, để tiến tới mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ 15/3 tới.

Liệu du khách đã sẵn sàng xách vali và đi ngay chưa? Công cụ nào sẽ là “bạn đồng hành” mà khách du lịch tin cậy?

Xu hướng xê dịch năm 2022

Khảo sát du lịch mới nhất (ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ) từ nền tảng du lịch Booking.com cho thấy công nghệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc linh động thay đổi kế hoạch với nhiều lựa chọn hơn để đặt chỗ ngay trong chuyến đi và tự do điều chỉnh kế hoạch, đi theo tiếng gọi của sự phiêu lưu.

[Mở cửa du lịch: 'Siết' khách quốc tế vào VN liệu có 'lợi bất cập hại'?]

Kết quả cũng cho thấy 70% khách du lịch Việt Nam đang tìm kiếm những cải tiến công nghệ mới nhất nhằm gợi ý những “từ khoá” hay những cơ hội bất ngờ dựa trên sở thích hoặc ngân sách trước đây của họ, giúp du khách có một trải nghiệm hoàn toàn mới và nắm bắt được mọi cơ hội dịch chuyển tiềm năng.

Mở cửa du lịch Việt Nam: Gỡ khó để lộ trình phục hồi bền vững ảnh 1Vào năm 2021, 90% khách du lịch Hè ưu tiên khả năng thay đổi quyết định phút chót khi đặt phòng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tỷ lệ đặt phòng vào phút chót đã tăng hơn 40 lần trong giai đoạn 2019-2021 so với giữa 2018-2019. Vào năm 2021, 90% khách du lịch Hè ưu tiên khả năng thay đổi quyết định phút chót khi đặt phòng. Điều này được dự đoán sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của khách du lịch đối với các chuyến đi trong năm 2022 và xa hơn.

Các ứng dụng dịch thuật tức thời được AI hỗ trợ đã giúp khách du lịch dễ dàng thương lượng trực tiếp với chủ nhà không nói cùng ngôn ngữ về những thay đổi vào phút chót. Có tới 79% du khách Việt Nam quan tâm đến một dịch vụ sáng tạo có khả năng dự đoán quốc gia nào sẽ an toàn để đi du lịch, hoặc tự động đề xuất các địa điểm du lịch dễ dàng dựa trên yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 hiện tại của địa phương và quốc gia đó (82%).

Anthony Lu, Giám đốc Khu vực Trung Quốc và Me Kong của Booking.com chia sẻ: “Du lịch đã ở trong trạng thái biến động trong hai năm qua và đại dịch COVID-19 đã dẫn tới sự thay đổi đáng kể trong thái độ và hành vi của khách du lịch Việt. Bước sang năm mới, chúng tôi nhận thấy công nghệ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng để thu hẹp khoảng cách trong cộng đồng du lịch, khi mọi người có thể dựa vào kinh nghiệm trực tiếp của những du khách khác để đưa ra quyết định sáng suốt và có những đánh giá phù hợp về thời điểm và địa điểm.”

“Khi chúng ta đang dần thoát khỏi dịch bệnh và thế giới đang bước vào trạng thái ‘bình thường mới,’ dù những dự đoán từ máy móc có chính xác ra sao, ngành du lịch vẫn sẽ tiếp tục đặt tính linh hoạt lên hàng đầu.”

Du lịch nội địa chiếm ưu thế

Thời điểm du khách Việt tự tin du lịch trở lại sẽ khó có thể sớm hơn quý 2/2022. Đó là kết quả khảo sát của Công ty cung cấp các giải pháp nghiên cứu và phân tích dữ liệu cho ngành du lịch và khách sạn The Outbox Company (Outbox) về mức độ sẵn sàng trở lại du lịch của du khách Việt. Bởi họ quan ngại về tình hình tài chính cá nhân và sức khỏe, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thay đổi trong thói quen du lịch...

Mở cửa du lịch Việt Nam: Gỡ khó để lộ trình phục hồi bền vững ảnh 2Du khách có xu hướng chọn những nơi thư giãn riêng tư, mang tính khám phá, trải nghiệm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cũng theo kết quả khảo sát này, du lịch quốc tế sẽ cần thời gian khá lâu để có thể phục hồi, nên trước mắt du lịch nội địa vẫn đóng vai trò quan trọng trong lộ trình phục hồi của ngành du lịch Việt Nam.

Đây cũng là thực tế mà nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch nhận định, rằng ngay cả khi chúng ta có “mở toang” cánh cửa du lịch thì khách quốc tế cũng sẽ dè dặt lên kế hoạch trở lại Việt Nam, bởi những quy định “đính kèm” về an toàn dịch bệnh quá chặt chẽ, không đủ sức cạnh tranh với những chính sức vô cùng thông thoáng của nhiều quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Israel, Australia…

Nghiên cứu của Outbox cho thấy du khách ngày càng có xu hướng lựa chọn điểm đến du lịch biển đảo hoặc nghỉ dưỡng... đồng thời bỏ qua những điểm đến phổ biến, đông người mà thay vào đó là những nơi thư giãn riêng tư, mang tính khám phá, trải nghiệm.

Bên cạnh đó, báo cáo “Travel in 2022-A Look Ahead” cũng chỉ ra rằng, du lịch toàn cầu trong năm 2022 sẽ vượt trội hơn so với mức năm 2019. Trong đó, mức chi tiêu bình quân cho mỗi chuyến đi năm 2022 sẽ vượt xa so với mức năm 2019 khi du khách có xu hướng gia tăng trải nghiệm dịch vụ và du lịch nội địa tiếp tục chiếm ưu thế.

Đặc biệt, qua khảo sát du khách ở 5 thị trường trọng điểm, gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản, Singapore và Australia cũng cho thấy, có 3 yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của họ là hòa mình vào điểm đến mới lạ và vẻ đẹp hoang sơ, tận hưởng trải nghiệm khác biệt, mở rộng hiểu biết về giá trị văn hóa và lịch sử điểm đến.

Dựa vào những kết quả này, các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành Việt Nam sẽ có thêm cơ sở để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu du khách cho giai đoạn phục hồi sắp tới.

Mở cửa du lịch Việt Nam: Gỡ khó để lộ trình phục hồi bền vững ảnh 3Du lịch Việt Nam nỗ lực quảng bá hình ảnh với chiến dịch "Sống trọn vẹn ở Việt Nam: Đi để yêu!" (Ảnh: TCDL)

Bài 2: ‘Phát súng thí điểm' sẽ mở ra chặng đường phục hồi cho du lịch Việt

Bài 3: Mở cửa du lịch: Doanh nghiệp vẫn rối bời và 'nín thở' chờ hướng dẫn

Bài 4: Các địa phương sẽ làm gì để khẳng định lại vị thế du lịch Việt Nam?

Bài 5: Du lịch được ‘cởi trói’ liệu có thể giúp rút ngắn những ‘bước đi dài?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục